“Quả ngọt” từ hội nhập quốc tế

Cập nhật: 04-08-2023 | 08:36:53

Các chương trình hội nhập quốc tế của tỉnh được xây dựng nhất quán, với mục tiêu nâng tầm phát triển. Chặng đường dài hợp tác quốc tế vừa qua đã mở ra những hướng phát triển mới, bền vững hơn cho tỉnh nhà.

 Bình Dương thường xuyên tổ chức các hội nghị, diễn đàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

 Biểu tượng của sự đột phá

Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, Bình Dương tập trung thực hiện 4 chương trình đột phá của Tỉnh ủy. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao; xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch; phát triển thương mại điện tử, dịch vụ logistics; thực hiện hiệu quả chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng công nghệ và tri thức…

Từ năm 2016, Bình Dương đã định hình được hướng đi đúng đắn, phù hợp với việc xây dựng và ban hành Đề án Thành phố thông minh (TPTM). Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các nước, Đề án TPTM Bình Dương gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế, khẳng định được hướng đi chiến lược trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định tỉnh xây dựng Đề án TPTM nhằm mục đích thực hiện các chương trình đột phá của Tỉnh ủy với mục tiêu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để đạt được mục tiêu đó, đề án nêu lên các giải pháp trọng tâm phải triển khai thực hiện. Với cách tiếp cận này, Bình Dương được lãnh đạo Chính phủ và các đối tác đánh giá cao.

“Đề án TPTM Bình Dương thể hiện quyết tâm quy tụ nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI, vươn tới nền kinh tế dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, tạo hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới, từng bước hướng đến đô thị thông minh, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Đề án đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy kết nối, hợp tác làm phương châm để phát triển”, ông Mai Hùng Dũng khẳng định.

Ông Louis Zacharilla, người sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự quyết tâm, sự cống hiến, nỗ lực của chính quyền và người dân Bình Dương hướng tới một TPTM, hiện đại. Bình Dương có chiến lược phát triển TPTM rất tốt và đang nỗ lực để ngày càng phát triển thịnh vượng”.

Nhìn lại, sau thành công vang dội của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á (Horasis) năm 2018 tại Bình Dương, những sự kiện quốc tế sau đó đã nâng cao hơn nữa vị thế tỉnh nhà trên trường quốc tế, góp phần mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế của Bình Dương trên các lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác đầu tư, thương mại, chủ động quảng bá thương hiệu. Thông qua đó, Bình Dương đã tìm ra được những giải pháp quan trọng mang tính thời đại, nhằm phân bổ lại nguồn lực phát triển theo hướng hiệu quả hơn, vận dụng phù hợp vào thực tiễn của tỉnh trong thời gian tới. Bình Dương ngày càng năng động và sẵn sàng cho hội nhập quốc tế sâu rộng, phục vụ hiệu quả cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện thực hóa mục tiêu phát triển trở thành đô thị thông minh.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Đến nay, tổ hợp dự án Trung tâm Thương mại thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) đã đạt các tiêu chí và trở thành thành viên Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (gồm 330 thành viên từ 90 quốc gia). Đây là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh, đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng thương hiệu và uy tín của Bình Dương.

WTC BDNC là công trình biểu tượng, tăng giá trị cho khu vực, trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, nhà đầu tư, nhân lực trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng. Từ đó gắn kết với phát triển khu công nghiệp khoa học - công nghệ, bứt phá trong công nghệ mới, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh, các ngành và các chủ đầu tư khu công nghiệp đã tích cực xây dựng, thực hiện các chương trình tiếp thị, xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức phù hợp. Kết quả số dự án và số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bình Dương tiếp tục tăng. Hàng năm, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nâng tầm vị thế.

Nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp muốn tìm hiểu, khảo sát về tiềm năng và môi trường đầu tư tại tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Đơn vị đã hỗ trợ và triển khai các chương trình, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… Từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp.

 Bình Dương luôn là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao của cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 4.121 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ đô la Mỹ. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên