“Mình cứ nghĩ bị gàu là do da đầu khô. Mãi đến hôm đưa con đi khám mụn, tranh thủ hỏi bác sĩ thì mới biết mình bị gàu nhiều là do ấ sừng da đầu, phải gội dầu đặc trị và dùng thuốc bôi tại chỗ”, chị Hải Anh (Hà Nội), chia sẻ.
Đầu vừa gội xong la gàu
Chị Hải Anh (Tạ Quang Bửu, Hà Nội) bị gàu nhiều đến nỗi chị không thể tự gội đầu, vì dù chị có gãi bung lên, gàu cũng không trôi hết khỏi tóc. Ngay cả đi gội ngoài hàng, dù gãi đến đau da đầu, nhưng khi vừa sấy tóc cho khô là lại có những mảng gàu to bằng vảy ngô nổi lên.
Gàu luôn là nỗi ám ảnh không riêng gì với phái nữ. Nhưng nếu tìm đúng căn nguyên, sẽ điều trị được dứt điểm tình trạng gàu.
“Mấy năm nay, chưa một lần mình dám xõa tóc, luôn phải buộc túm lại mà nhiều khi gàu vẫn rơi ra. Không biết bao nhiêu lần bị mọi người “quở” vì nhiều gàu. Mình “lượn” đủ các diễn đàn của các mẹ nói về gàu, mua gần hết các loại dầu mà các mẹ đã dùng hiệu quả mà không ăn thua. Mình cứ nghĩ cơ địa mình vậy, bị gàu là do da đầu khô, mà không nghĩ là một loại bệnh nên chưa từng nghĩ đến chuyện đi khám. Mãi hôm rồi, khi đưa con đi khám mụn ở mặt, tranh thủ hỏi bác sĩ da liễu mới biết mình bị gàu nhiều là do á sừng da đầu, phải gội dầu đặc trị và dùng thuốc bôi tại các vảy gàu”, chị Anh tâm sự.
Bác sĩ Vũ Văn Tiến, Khoa Da liễu viện Quân y 103 cho biết, hiện tượng gàu trên da đầu là do da đầu luôn luôn được thay mới. Quá trình thay mới da này rất khó nhận ra, nhưng riêng ở những người việc thay lớp da mới này khá “ồn ào” - các tế bào chết bong ra rất nhiều - thì đó chính là hiện tượng có gàu trên da đầu. Nếu chỉ bình thường là các tế bào chết bong ra nhiều thì dùng dầu gội, mát xa da đầu, bổ sung vitamin có thể khắc phục tình trạng gàu. Nhưng với những người bị gàu do nấm, do vi khuẩn gây ra thì đây là một loại bệnh và phải chữa trị mới khỏi dứt điểm.
Trị đúng căn nguyên
BS Tiến khẳng định, có nhiều nguyên nhân gây ra gàu, do vậy, phải xác định được tác nhân gây gàu mới có thể điều trị gàu hiệu quả. Ngoài việc có gàu do sử dụng dầu gội đầu không đúng cách, xả nước không sạch, dầu gội đầu có nhiều chất nhờn hoặc có chất tẩy rửa mạnh; tinh thần bị căng thẳng, lo lắng, stress, mất ngủ, do da đầu tiết dầu, da khô… thì gàu còn do vi khuẩn, nấm gây nên.
Bác sĩ Tiến cho biết, rất nhiều người tình trạng gàu ở mức khủng khiếp, trắng xóa trên đầu, đã thử mọi loại dầu trị gàu không hiệu quả mới tìm đến bác sĩ da liễu. Và khi soi kỹ da đầu thì mới khẳng định không phải hiện tượng gàu do sự thay da tự nhiên, mà là do nấm, vi khuẩn hoặc á sừng da đầu. Với những trường hợp này, các loại dầu gội được quảng cáo là đặc trị gàu cũng “bó tay”. Lúc này, tùy trường hợp mỗi người mà bác sĩ kê thuốc kháng sinh chống vi khuẩn, đồng thời kết hợp với kháng sinh chống vi nấm. Tùy theo mức độ vi khuẩn, vi nấm mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phối hợp trị cả vi khuẩn và vi nấm. Thông thường, nếu chỉ uống thuốc sẽ mang lại hiệu quả chậm và không triệt để. Do vậy, khi điều trị gàu, bác sĩ thường dùng đơn thuốc kết hợp giữa thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ vùng bị gàu.
Ngoài ra, bác sĩ Tiến khuyên để giảm nguy cơ bị gàu và có mái tóc đẹp, cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh trái cây. Khi gội đầu chỉ xoa bóp nhẹ nhàng, không gãi quá mạnh (móng tay cào quá sâu vào da đầu sẽ làm da đầu bị tróc và gây nên gàu) và chỉ chỉ cần gội sạch và lau khô, không nên dùng máy sấy quá nóng sẽ gây tróc lớp da đầu. Một điều cũng cần lưu ý, đó là lược chải đầu cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng chung lược để tránh lây lan vi khuẩn, vi nấm.
Theo Dân Trí