Vào mỗi đầu năm học, các địa bàn tập trung công nghiệp, nơi có đông dân nhập cư luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải học sinh (HS), huyện Bến Cát cũng không nằm ngoài quy luật này. Năm học 2011-2012, ngành học mầm non tăng 400 - 500 cháu; tiểu học tăng 500 - 600 HS.
Trường TH Tân Định được xây dựng khá quy mô nhưng nhu cầu học tập của HS còn lớn hơn thế
Trường có HS phát sinh nhiều nhất là tiểu học (TH) Mỹ Phước. Ngôi trường này đã được đầu tư xây dựng khá quy mô, nhưng mùa tuyển sinh hàng năm luôn chịu áp lực quá tải HS, chủ yếu là con em lao động nhập cư. Ông Nguyễn Khắc Tường, Hiệu trưởng trường cho biết: Năm học này trường dư gần 300 HS, trong đó có trên 40 HS lớp 2, còn lại là lớp 1. Số này chủ yếu là con em lao động nhập cư có tạm trú trên 6 tháng theo quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Ngoài ra còn có 100 HS khối 3, 4, 5 từ các nơi khác chuyển về, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo nhà trường tiếp nhận luôn. Như vậy năm học này, trường tăng thêm 10 lớp so với năm học trước.
Trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước còn có trường TH Trần Quốc Tuấn, cũng là ngôi trường “nóng” trong các mùa tuyển sinh. Năm học này, sĩ số HS cũng tăng 40 - 42 HS/lớp. Hàng năm, 2 ngôi trường trên luôn quá tải trong các mùa tuyển sinh, ngoài sự gia tăng HS nhập cư còn do trường tổ chức dạy bán trú, người lao động cảm thấy yên tâm khi cho con em vào học tại đây. Tương tự, trường TH Tân Định vừa được xây mới theo chuẩn quốc gia, nhưng do nằm trên địa bàn khu công nghiệp nên số HS cũng gia tăng nên trong năm học này, bắt buộc nhà trường phải nâng sĩ số HS để nhận các em vào học.
Trước thực trạng HS tăng cao ở trường TH Mỹ Phước, Phòng GD-ĐT huyện tham mưu UBND huyện tạm mượn cơ sở cũ của trường THPT Bến Cát để mở 6 lớp 1 và 1 lớp 2. Hiện cơ sở phụ này đang được cải tạo, sửa chữa, kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Theo ông Thanh, trước nhu cầu học bán trú của người dân địa phương, nên dù có quá tải ngành cũng tìm mọi cách để duy trì tổ chức bán trú ở 2 trường: Mỹ Phước và Trần Quốc Tuấn. Ngành cũng sẽ tham mưu huyện nâng phân hiệu của trường TH Mỹ Phước để xin chủ trương tỉnh xây dựng thêm 1 trường TH tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 1, quy mô khoảng 30 lớp theo tiêu chuẩn bán trú và đạt chuẩn.
HS TH tăng, HS mầm non cũng tăng 400 - 500 cháu trong năm học mới này. Ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: chịu áp lực lớn nhất là các địa bàn: Mỹ Phước, An Điền, Thới Hòa, Hòa Lợi và Chánh Phú Hòa. Có những ngôi trường vừa nâng quy mô thì lại tiếp tục quá tải. Trước tình thế này, giải pháp tạm thời là các trường tăng số cháu ở mỗi lớp, còn về lâu dài ngành đã có tính toán căn cơ hơn. Cụ thể, ngành tích cực tham mưu huyện xây dựng thay thế mới 3 trường mầm non ở những địa bàn đông dân, giảm bớt áp lực tăng cháu, đó là: một trường tại khu tái định cư Mỹ Phước (ấp 6 Thới Hòa), quy mô 20 lớp, có thể nhận 500 cháu; trường Mầm non An Điền và Hòa Lợi cũng có quy mô 20 lớp. Năm nay do thực hiện phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, nên ưu tiên nhận số trẻ này, nhưng nhu cầu vào lớp của trẻ 3, 4 tuổi cũng tăng nhanh. Do đó, huyện kêu gọi xã hội hóa ngành học mầm non, đặc biệt là khu vực thị trấn Mỹ Phước để giảm bớt gánh nặng cho các trường công. Dĩ nhiên là ngành GD-ĐT tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn để các cơ sở mầm non tư thục này có hoạt động đi vào nề nếp.
Vài năm gần đây, huyện Bến Cát quan tâm đầu tư cho giáo dục, xây dựng mới nhiều trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, tu sửa những ngôi trường được xây dựng trước để đáp ứng yêu cầu quy mô phát triển giáo dục. Chỉ riêng năm 2011, huyện có một số công trình trường mới là: TH Long Bình giai đoạn 2, xây mới trường TH An Tây A, TH Tân Hưng, THCS Phú An, mẫu giáo Chánh Phú Hòa, trường tạo nguồn Mỹ Phước (sửa chữa cải tạo từ Trung tâm dạy nghề huyện). Tuy nhiên, do đây là địa bàn tập trung nhiều KCN, thu hút đông dân nhập cư nên trường lớp không tăng kịp theo đà tăng thêm HS ở mỗi năm học. Song, với sự cố gắng khắc phục khó khăn của huyện nhà và ngành GD-ĐT, HS đã được tạo điều kiện đến trường, đặc biệt là vẫn duy trì được việc tổ chức dạy bán trú ở các trường TH nằm trên địa bàn KCN.
A.SÁNG