Quân dân hai tỉnh Bình Dương - Lào Cai: Thắm đượm nghĩa tình, gắn bó keo sơn

Cập nhật: 26-02-2011 | 00:00:00

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Đó là một trang chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Lực lượng Công an Nhân dân (CAND) đã có những đóng góp to lớn góp phần vào thắng lợi vĩ đại đó”. (1)

 

Lãnh đạo Công an tỉnh Lao Cai (trái) trao quà lưu niệm cho Công an tỉnh Bình Dương

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954) cán bộ an ninh miền Nam(2) tập kết ra Bắc, chỉ để lại một số ít ở lại hoạt động bí mật, tuy nhiên số cán bộ bị bắt, hy sinh do các đợt tố cộng, diệt cộng, khủng bố của địch đã làm suy yếu phong trào cách mạng miền Nam. Với tầm nhìn xa, trông rộng, ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an thực hiện quyết sách chi viện cho an ninh miền Nam, đặc biệt là chi viện về cán bộ. Năm 1957, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập “Tổ cán bộ miền Nam” chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện cho an ninh miền Nam. Một kế hoạch có tầm chiến lược về công tác chi viện cán bộ cho an ninh miền Nam đã được thực hiện khẩn trương, từ việc rà soát hàng ngàn cán bộ Công an miền Nam tập kết ra Bắc đang công tác ở các ngành được điều động trở lại ngành công an, đến việc tổ chức, phát hiện, thu hút hàng ngàn cán bộ, bộ đội ưu tú và con em miền Nam vào ngành để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ nghiệp vụ kỹ thuật nhằm chủ động và kịp thời chi viện cho an ninh miền Nam. Phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến” phát động đã được toàn thể CBCS CAND ở hậu phương lớn hưởng ứng, hừng hực khí thế viết đơn tình nguyện và sẵn sàng lên đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Dù biết rằng việc ra đi này là gian khổ, nhưng tất cả đều chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân để được đóng góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1959 đến tháng 5-1975, Bộ Công an đã chi viện cho an ninh miền Nam 11.038 cán bộ chiến sĩ (trong đó có 3.000 CAND vũ trang) gồm nhiều lực lượng nghiệp vụ khác nhau, lực lượng đó đã phát huy tác dụng trong các lĩnh vực công tác an ninh ở miền Nam(3).  

Tại Lào Cai, ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh chống lại tàn dư của đế quốc, phong kiến, đấu tranh với tiểu phỉ, bảo vệ an ninh trật tự trên khắp rẻo cao biên giới, bảo vệ tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam từ các nước xã hội chủ nghĩa (đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô)... Công việc bộn bề, khó khăn, gian khổ, nhưng Lào Cai vẫn lựa chọn cử những người con ưu tú nhất để chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có chiến trường Thủ Dầu Một. Nhiều đồng chí kể lại rằng: trong những năm đánh Mỹ, tỉnh Lào Cai đã chi viện cho Thủ Dầu Một(4) hai tiểu đoàn, qua những năm chiến đấu trên chiến trường “miền Đông gian lao mà anh dũng” đến ngày toàn thắng, hai tiểu đoàn ấy đã hy sinh gần hết, chỉ còn lại một vài đồng chí! Cùng với đoàn quân hào hùng đó, Công an tỉnh Lào Cai có 37 đồng chí chia làm 4 đợt chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có đồng chí Trần Kim Chiến phó ty Công an Lào Cai, đặc biệt có đồng chí đã dùng máu của mình viết đơn tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu... Những cán bộ chiến sĩ an ninh của mảnh đất biên giới đã được điều đến cùng các đồng chí, đồng bào tại Bình Dương cũng như khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ tham gia chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt, lịch sử đã chứng kiến nhiều cán bộ chiến sĩ an ninh anh dũng hy sinh trên khắp các địa bàn từ Lái Thiêu, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng... đến các địa bàn biên giới Campuchia, Mã Đà, Vĩnh Cửu, Kiến Đức, Bình Phước... Các anh đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Trong số các anh, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường ở lứa tuổi 20 bởi bom đạn ác liệt của kẻ thù.

Truyền thống đoàn kết thống nhất trong lực lượng CAND được thể hiện đậm nét bởi sự gắn kết trong chiến đấu giữa cán bộ công an chi viện với cán bộ an ninh nhân dân tại chỗ trên chiến trường. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cán bộ chiến sĩ chi viện có mặt trên khắp các địa bàn từ Lái Thiêu, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng... Ở đâu cán bộ chi viện cũng hòa mình với cán bộ tại chỗ, lăn lộn với phong trào hoạt động từ vùng ven đến vùng căn cứ giải phóng, họ đã gắn bó sống chết với cán bộ an ninh tại chỗ, xây dựng lực lượng an ninh vững mạnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của cấp ủy Đảng. Cán bộ an ninh trưởng thành từ phong trào tại chỗ gắn bó với cán bộ chi viện, vừa chiến đấu, vừa giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho cán bộ chi viện hiểu dân, dựa vào dân, đoàn kết cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngay trong chiến tranh ác liệt, tình đoàn kết chiến đấu của quân dân 2 miền Nam - Bắc nói chung, quân dân 2 tỉnh Lào Cai - Bình Dương nói riêng đã gắn bó keo sơn cùng góp phần cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua hàng chục năm chiến đấu, tình đoàn kết thống nhất của lực lượng CAND không phân biệt Bắc - Nam đi đến đâu cũng là anh em một nhà, trong cùng một lực lượng, cùng làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, diệt ác, trừ gian, chiến đấu vì một mục đích là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

35 năm chiến tranh đã qua đi, đây là khoảng thời gian dài của một đời người nhưng nó chỉ là một quãng đường ngắn của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, những đau thương, mất mát, hy sinh do chiến tranh để lại cho cả dân tộc chỉ như vừa mới hôm qua. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, đau thương ấy đến nay vẫn không thể nào khắc phục cho hết được. Sau hơn 30 năm chiến tranh, cả nước cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh nhưng sự hy sinh mất mát của các gia đình do chiến tranh để lại không gì có thể bù đắp.

Để tri ân những người con của Bình Dương cũng như những người con trên mọi miền Tổ quốc đã đem máu xương của mình “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và cho Bình Dương được như ngày hôm nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công trong lực lượng CAND nói riêng và các gia đình có công với cách mạng nói chung. Các phong trào thăm hỏi, động viên, chăm sóc cán bộ công an lão thành, các mẹ Việt Nam anh hùng... các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đã trở thành việc làm thường xuyên và sâu rộng trong các đơn vị, địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ.. Đặc biệt, để an lòng những người đã ngã xuống, hy sinh cuộc sống của mình cho Tổ quốc, đem lại sự bình yên cho nhân dân; thời gian qua Công an tỉnh đã nhận chăm sóc và phụng dưỡng đến trọn đời 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng và thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc các trường hợp cán bộ công an lão thành neo đơn, khó khăn... 5 năm qua bằng nguồn kinh phí tự đóng góp của cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị bạn đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng hơn 1.000 phần quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.

Góp phần vào việc giải quyết khó khăn về nhà ở, chú trọng phương châm “an cư, lạc nghiệp” cho số gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng;  từ 2005 đến nay Công an tỉnh đã xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa, 2 căn nhà tình đồng đội, 7 căn nhà tình thương với tổng kinh phí là 282 triệu đồng.

Nhằm thắt chặt nghĩa tình keo sơn gắn bó giữa hai miền Nam - Bắc, 2 tỉnh kết nghĩa Bình Dương - Lào Cai trong chiến tranh cũng như thời bình, sự tri ân của thế hệ đi sau đối với những người đi trước, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 65 năm Ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam, thể hiện nghĩa tình Bắc - Nam ruột thịt (trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Lào Cai và tỉnh Thủ Dầu Một -nay là Bình Dương là 2 tỉnh kết nghĩa, nhân dân Lào Cai đã cử nhiều con em của mình vào tham gia chiến đấu ở Bình Dương và trong đó có nhiều đồng chí đã hy sinh, hoặc để lại một phần xương máu của mình) Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xin được 1,2 tỷ đồng để xây dựng 30 căn nhà tình nghĩa (trong đó Công an tỉnh Bình Dương hỗ trợ xây 15 căn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ xây dựng 15 căn cho các gia đình chính sách đang còn khó khăn về nhà ở), 30 sổ tiết kiệm trị giá 60 triệu đồng và nhiều phần quà khác, cơ bản việc xây nhà tình nghĩa đã hoàn thành, bàn giao nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng CAND, 66 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân và Tết Tân Mão 2011.

Từ khi hòa bình lập lại đến nay, Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Mặc dù khoảng cách Bắc - Nam, nhưng Đảng bộ và nhân dân Bình Dương vẫn dõi theo và rất tự hào về những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lào Cai. Điều đó được thể hiện bằng tình cảm qua những đợt giao lưu, công tác giữa hai tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Dương dành cho Lào Cai để khắc phục hậu quả trong những đợt thiên tai.

Trong giai đoạn hiện nay, Bình Dương - Lào Cai đều có sự phát triển riêng, phù hợp với thế mạnh và tiềm năng của mình. Bình Dương là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thế mạnh là công nghiệp, dịch vụ; Lào Cai đang là vùng kinh tế năng động phía Tây Bắc của Tổ quốc với thế mạnh là du lịch và thương mại vùng cửa khẩu biên giới. Mặc dù mỗi tỉnh có lợi thế so sánh khác nhau, nhưng lực lượng công an 2 tỉnh cùng có chung một nhiệm vụ là bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Sự kết hợp giữa một tỉnh miền Đông Nam bộ với một tỉnh vùng cao, biên giới sẽ đem lại những triển vọng mới trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của 2 tỉnh Bình Dương - Lào Cai nói riêng và đất nước nói chung.

Tình đoàn kết quân dân Lào Cai - Bình Dương ngày càng thắm đượm hơn; hôm nay trên mảnh đất Lào Cai nơi địa đầu Tổ quốc, có những con đường, những trường học mang tên Thủ Dầu Một như lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ hôm nay, thế hệ mai sau về tình cảm gắn bó keo sơn giữa Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Lào Cai - Bình Dương và truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh trong truyền thống đại đoàn kết của dân tộc.

Trong những ngày giáp Tết Tân Mão, đất trời Lào Cai có các đợt gió mùa Đông Bắc lạnh thấu xương, nhưng được sống trong tình đồng chí, đồng đội của quê hương kết nghĩa và đặc biệt được đi trên con đường mang tên Thủ Dầu Một giữa đất Lào Cai, lòng chúng tôi - những người con của đất Bình Dương - cảm thấy vơi đi rất nhiều cái lạnh miền sơn cước.

Thiếu tướng VÕ THÀNH ĐỨC (Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương)

(1) Thiếu tướng Đặng Thái Giáp, Cục trưởng Cục Công tác Chính trị

(2) Tên gọi của lực lượng công an thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

(3) Phát biểu của đồng chí Trung tướng Châu Văn Mẫn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục XDLL tại Hội thảo “Xây dựng lực lượng CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”

(4) Nay là Bình Dương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên