Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam

Cập nhật: 10-05-2012 | 00:00:00

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị với Quốc hội khóa XIII như sau: “Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, lãnh hải, đảo đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...”.

Bộ Ngoại giao có văn bản trả lời cử tri như sau:

1. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; việc thông tin đầy đủ đến nhân dân về tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo:

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định rất rõ ràng trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII ngày 25-11-2011: “Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thật sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta làm chủ trên thực tế liên tục và hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó đang nằm trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chính quyền đã lên án việc làm này và đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đưa ra tuyên bố khẳng định hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp Hiến chương Liên hiệp quốc, Công ước Luật Biển, Tuyên bố DOC.

Quần đảo Trường Sa, năm 1975, giải phóng thống nhất Tổ quốc, hải quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca. 5 hòn đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý, chúng ta tiếp quản. Sau đó, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm 21 đảo với 31 điểm đóng quân. Ngoài ra, chúng ta còn xây dựng thêm 15 nhà giàn DK1 ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế biển 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó, ở quần đảo   Trường Sa này, Trung Quốc đã chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philippines chiếm 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo, Bru-nây chỉ đòi chủ quyền không chiếm giữ đảo. Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất, cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà ta đang nắm giữ với 21 hộ, 80 khẩu với 6 cháu sinh ra và lớn lên tại đây.

Chủ trương của chúng ta đối với thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, Tuyên bố DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước hết ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực...”

Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền biển đảo là căn cứ vào Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Đối với các tranh chấp chỉ liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc như vấn đề Hoàng Sa, của Vịnh Bắc bộ thì đàm phán song phương để giải quyết; vấn đề quần đảo Trường Sa liên quan đến nhiều nước trong khu vực thì đàm phán đa phương, còn vấn đề an toàn hàng hải liên quan đến cả các nước ngoài khu vực thì phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong quá trình giải quyết.

Việc thông tin đầy đủ về tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, luôn là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ngành hữu quan triển khai công tác tuyên truyền biển, đảo một cách đồng bộ với nhiều hình thức linh hoạt ở các cấp, các ngành, các địa phương, trong các đoàn thể nhân dân: xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền; khai trương trang mạng Biên giới, lãnh thổ, trong đó có nội dung chính là vấn đề thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề này. Trong năm 2011, Bộ Ngoại giao đã cung cấp cho UBND các tỉnh, thành phố tài liệu về 8 vấn đề cơ bản liên quan đến chủ trương, chính sách của Nhà nước ta trong vấn đề biển Đông. Trong đó nêu rõ chủ trương của ta đối với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy và thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta trên biển Đông.

2. Về sự kiện tàu hải giám Trung Quốc gây hấn và phá hoại thiết bị tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam:

Việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 (26-5-2011) và phá hoại cáp tàu Viking II (9-6-2011) xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Luật Biển 1982, đi ngược tinh thần DOC và làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chúng ta đã triển khai một loạt các biện pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt cả trên thực địa và qua đường ngoại giao như: mời Đại sứ và Đại diện 9 nước ASEAN và 10 nước đối tác của ASEAN đến trụ sở Ủy ban BGQG để thông tin đầy đủ các sự kiện trên, kịp thời trao công hàm phản đối, tổ chức họp báo, đưa vấn đề ra công khai, thông báo cho bạn bè quốc tế, cử đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao sang Trung Quốc trao đổi, giải quyết vấn đề; một số đoàn thể quần chúng nước ta ra Tuyên bố phản đối... Chúng ta cũng đã chủ động nêu các vụ việc này tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như: Diễn đàn đối thoại an ninh Shangrila, Singapore (4-6-2011); Hội nghị Liên hiệp quốc về Công ước Luật Biển năm 1982 tại Nữu-ước tháng 6-2011... Sau vụ việc các tàu khảo sát của chúng ta đã được sửa chữa kịp thời để tiếp tục triển khai các hoạt động bình thường và hoàn thành kế hoạch khảo sát. (Còn tiếp)

Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=449
Quay lên trên