Quan điểm của Đảng về kiểm soát quyền lực

Thứ sáu, ngày 06/09/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Kiểm soát quyền lực là nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, kiểm soát quyền lực đối với Ðảng có vai trò quyết định đối với việc kiểm soát quyền lực của cả hệ thống chính trị, nhằm xây dựng Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Những năm gần đây, kiểm soát quyền lực của Đảng đang tỏ rõ hiệu lực, hiệu quả và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Hàng loạt các quy định của Đảng về vấn đề này được sửa đổi, bổ sung, thể hiện rõ quyết tâm chấn chỉnh kỷ luật Đảng, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm".

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp đột phá: "Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực". Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành các quy định nhằm kiểm soát quyền lực. Cụ thể như:

1. Trong công tác cán bộ

Ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, Quy định đã nêu cụ thể 3 nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gồm có:

(1) Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn

- Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

- Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

- Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

- Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại  Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

- Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

- Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

- Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

- Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

(2) Hành vi chạy chức, chạy quyền

- Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

- Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

- Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

- Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

- Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

- Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

(3) Các hành vi tiêu cực khác

- Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.

- Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

- Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.

- Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực.

- Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ.

2. Trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng

Ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Theo đó, những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gồm có 22 hành vi sau:

- Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.

- Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng hoặc thanh tra, kiểm toán.

- Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.

- Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

- Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

- Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.

- Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra.

- Xác nhận, nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, bản chất vụ việc, vi phạm của đối tượng kiểm tra.

- Thoả thuận, đặt điều kiện với đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định để làm thay đổi, sai lệch kết quả, kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

- Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm; không kiến nghị hoặc chỉ đạo, xử lý thu hồi vật chất, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với các vi phạm khi tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

- Chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.

- Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích.

- Bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán vượt thẩm quyền; không đúng quy trình nghiệp vụ, phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian theo quy định. Cản trở, can thiệp trái quy định vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.

- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, sách nhiễu, gây khó khăn, có thái độ áp đặt, thiếu tôn trọng, không đúng quy định của ngành, can thiệp trái quy định vào hoạt động của đối tượng kiểm tra.

- Không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định khi nhận được thông tin, đơn, thư phản ánh, tố cáo đối tượng kiểm tra.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc.

- Tác động đến người có thẩm quyền nhằm giúp cho đối tượng kiểm tra có được kết quả, quyền lợi không chính đáng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.

- Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ đối tượng kiểm tra thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm.

- Không kịp thời thay đổi thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán khi có căn cứ xác định thành viên không vô tư, khách quan trong công tác; không kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đoàn.

- Không kịp thời kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đã được xác định là có cơ sở.

- Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

3. Trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo đó, có 28 nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án được quy định rõ như sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và các cơ quan chức năng, hoạt động giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Cố ý không tiếp nhận, giải quyết hoặc tiếp nhận, giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với nguồn tin về tội phạm, việc khởi kiện giải quyết vụ án hành chính, vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, việc phá sản, thi hành án.

- Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu huỷ chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.

- Ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hoặc không ban hành quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật; không truy tố người có tội hoặc truy tố người không có tội hoặc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.

- Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp tư pháp, thay đổi tội danh, hình phạt, miễn, giảm hình phạt, miễn, giảm trách nhiệm hình sự, dân sự, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc, chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án trái pháp luật.

- Nhục hình, bức cung, mớm cung hoặc chỉ đạo, tổ chức thông cung đối với người bị buộc tội; truy ép, gợi ý cho đương sự, người tham gia tố tụng khác cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày không khách quan, trung thực.

- Trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giám định, định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật; cố ý né tránh, kéo dài thời gian cung cấp tài liệu theo yêu cầu giám định, định giá hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; kết luận giám định, định giá tài sản không đúng sự thật hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản trái pháp luật.

- Lợi dụng quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc quyền trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, quyền huỷ án điều tra lại, quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền yêu cầu giải thích bản án để kéo dài quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án vì vụ lợi.

- Đề nghị, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo, xét và đề nghị đặc xá trái pháp luật.

- Cố ý thi hành án trái nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không ra quyết định thi hành án, trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án trái pháp luật; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp khẩn cấp tạm thời, cưỡng chế thi hành án, câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để hạn chế người mua, dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án trái pháp luật.

- Cố ý vi phạm các quy định về niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, về thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản thi hành án.

- Cản trở trái pháp luật hoạt động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; hoạt động tự bào chữa, nhờ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của bị hại, người được thi hành án, đương sự, người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.

- Tư vấn, liên hệ, tiếp xúc, giải quyết không đúng quy định về chế độ thăm, gặp, liên lạc đối với người bị buộc tội, phạm nhân; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án, bị hại, người được thi hành án, đương sự hoặc người thân thích của họ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

- Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác; chỉ đạo hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hoá các hành vi, quyết định trái pháp luật của mình hoặc để giải quyết việc cá nhân mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Nhận quà (lợi ích vật chất, phi vật chất) dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tặng quà (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức) để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Cố ý để người có quan hệ gia đình và người thân thích khác lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi hoặc tham gia bào chữa, tư vấn pháp lý trong vụ án, vụ việc mà mình chỉ đạo giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.

- Cố ý không giải quyết, không thực hiện hoặc giải quyết, thực hiện không đúng quy định hoặc cản trở việc giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.

- Tiết lộ thông tin, đe doạ, trả thù, trù dập người kiến nghị, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi được giao quản lý, phụ trách.

- Đe doạ, trả thù, trù dập, mua chuộc người tố giác tội phạm, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến bản thân mình hoặc người có quan hệ gia đình trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án.

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng trái pháp luật các thông tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp nghiệp vụ.

- Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

4. Trong công tác xây dựng pháp luật

Ngày 27-6-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, có 2 nhóm hành vi được chỉ ra như sau:

(1) Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật

- Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ.

- Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.

- Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.

- Các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

(2) Các hành vi tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

- Cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật hoặc cố ý che giấu, báo cáo không trung thực với cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực tiễn, về nội dung ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cố ý đưa những nội dung mới vào dự thảo văn bản khác với những chính sách hoặc nội dung đã được cấp có thẩm quyền thông qua mà không báo cáo cấp lãnh đạo có thẩm quyền dẫn đến văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp hoặc tính thống nhất với hệ thống pháp luật hoặc có nhiều sơ hở và bị lợi dụng gây ra thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

- Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong công tác xây dựng pháp luật; bao che, cố ý không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong cơ quan, tổ chức, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác xây dựng pháp luật.

- Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác xây dựng pháp luật.

- Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan điểm trái với chủ trương, quy định của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; thu thập, chuyển giao cho nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân khác trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật để chống phá Đảng và Nhà nước.

- Các hành vi tiêu cực khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Việc nhận định các hành vi tham nhũng, tiêu cực như trên để xác định rõ nội dung, phương thức và trách nhiệm thực hiện kiểm soát quyền lực. Đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy định trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung sau:

 Thứ nhất, quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Quy định: 114-QĐ/TW; 131-QĐ/TW; 132-QĐ/TW; 178-QĐ/TW và các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra và chỉ đạo của cấp trên về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định; bảo vệ, khen thưởng tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh; xử lý sai phạm hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, để công cuộc kiểm soát quyền lực của Đảng bảo đảm tính bền vững thì cần phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định của Đảng, nhất là trong một số lĩnh vực còn khoảng trống về quy định hoặc khó phát hiện sai phạm như xây dựng chính sách, pháp luật để PCTN chính sách, hạn chế "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ" … Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "trông chờ, nghe ngóng", "nhẹ trên, nặng dưới" trong kiểm tra, xử lý sai phạm, uốn nắn những khuyết điểm từ lúc manh nha. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các ban Đảng, đặc biệt là UBKT Đảng các cấp./.

Kim Bình – Thanh tra Sở