Kỳ 4: Mở toang “cửa thép” Xuân Lộc
Xe tăng, bộ binh Quân đoàn 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc tháng 4-1975. Ảnh:T.L
Để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ngày 30-3-1975 Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ tiến công TX.Xuân Lộc cho Quân đoàn (QĐ) 4. Về phía địch, tướng Mỹ Uây-Oen đã nói với Nguyễn Văn Thiệu: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Vì vậy, trong bước đường cùng, địch đã điên cuồng kháng cự. Chúng coi Xuân Lộc là “cánh cửa thép” phòng ngự trong những ngày cuối cùng của chiến tranh.
Trận đánh ác liệt
Trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, chiến dịch giải phóng Xuân Lộc được đánh giá là một trong những trận đánh ác liệt và vô cùng oanh liệt của quân đội ta, là bản hùng ca tiếp nối từ Quảng Trị “một thời hoa lửa”, từ Khe Sanh - Đường 9 anh hùng. Thắng lợi ở Xuân Lộc đã đẩy chế độ ngụy quyền đến giờ phút sụp đổ hoàn toàn, chấm dứt chiến tranh, non sông thu về một mối.
Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, chiến dịch bắt đầu mở màn. Lực lượng tham gia gồm Sư đoàn 6, Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 và các đơn vị binh chủng hiệp đồng. Ngay từ phút đầu, quân ta đã tổ chức những cuộc tiến công lớn bằng nhiều trận đánh liên tiếp, diễn ra cực kỳ quyết liệt. Do đã được Mỹ và Thiệu lên dây cót tinh thần, địch tổ chức lực lượng liều chết chống trả, quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá. Qua 3 ngày chiến đấu liên tục, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng. Trước diễn biến gay go, ác liệt của trận đánh, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh, ngừng tiến công vào thị xã, tổ chức mỗi sư đoàn sử dụng một tiểu đoàn kiềm chế, bao vây, nghi binh còn lại rút phần lớn lực lượng làm nhiệm vụ cơ động. Từ ngày 15-4, ta tổ chức hỏa lực pháo binh bắn phá dồn dập vào sân bay Biên Hòa và thực hành các trận tập kích tiêu diệt nhiều chiến đoàn địch đến phản kích, cắt đứt nhiều tuyến đường không cho chúng tăng viện. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, hơn nữa đã mất Dầu Giây, Xuân Lộc không còn giá trị phòng thủ, địch quyết định rút lui khỏi thị xã để bảo toàn lực lượng. Như vậy, sau 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, QĐ 4 đã cùng với lực lượng vũ trang địa phương đập tan chiến tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch, mở toang cánh cửa phía đông, tạo thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
Tuyệt vọng và tội ác
Trước khi trận Xuân Lộc diễn ra, nhờ được Mỹ động viên an ủi, cử tướng Uây-Oen qua “quân sư” lập phòng tuyến Xuân Lộc nên Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh của ông ta mặc dù trong cơn hấp hối vẫn lên giọng huênh hoang. Tướng Nguyễn Văn Toàn, viên tướng nhiều tai tiếng nhất của chế độ Sài Gòn vừa mới được Thiệu phục chức Tư lệnh Quân khu 3, khi được Thiệu hỏi có giữ được địa bàn do y phụ trách không, Toàn đã trả lời: “Tôi giữ tất cả những phần đất còn lại, QĐ 3 sẽ chặn đứng cộng sản… Nếu cần, sẽ tung quân đánh xả láng luôn…”. Còn chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy đã đưa ra lời bảo đảm với Thiệu và tuyên bố trước báo chí: “Bất chấp phía bên kia tung ra bao nhiêu sư đoàn, tôi cũng đánh gục họ hết. Tôi thề giữ vững Xuân Lộc. Tôi thề đánh một trận oai hùng cho cả thế giới biết đấy và để Hòa Kỳ chi thêm viện trợ…”. Đảo bỗng chốc trở thành “người hùng”, trở thành cứu tinh của Thiệu. Thế nhưng, trong suốt trận đánh, Lê Minh Đảo đã không sao ngóc đầu lên được từ các công sự ngầm xây bằng bê tông. Xuân Lộc đã trở thành nỗi khiếp đảm của địch bởi những trận xung phong và những trận mưa đạn pháo tấn công liên tục, dồn dập của quân giải phóng. Đến lúc này, cả tướng Toàn và Đảo đều thều thào báo cáo với Tổng thống Thiệu về tình cảnh Sư đoàn 18 bị vây hãm và có nguy cơ bị tiêu diệt. Quá bị đát, Thiệu buộc phải cho rút quân từ Xuân Lộc về phòng thủ tuyến Biên Hòa - Long Bình. Có lẽ trong cuộc đời “binh nghiệp” làm tay sai cho giặc, ở phút cuối cùng Lê Minh Đảo đã lập nên một “chiến công ve sầu lột xác” khá “hiển hách”, đó là chỉ huy rút chạy trót lọt gần cả Sư đoàn 18 của y, bộ phận còn lại mắc kẹt trong đống đổ nát ở Xuân Lộc bị ta bắt sống và tiêu diệt.
Bộ đội Sư đoàn 341, QĐ 4 chiến đấu giành từng tấc đất, từng căn nhà trong lòng thị xã Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất phía Đông Sài Gòn ngày 21-4-1975. Ảnh:T.L
Trong cơn tuyệt vọng và cay cú, kẻ đi xâm lược đã phạm thêm một tội ác chiến tranh. Đêm ngày 20-4, Lê Minh Đảo rút đám tàn quân ra khỏi Xuân Lộc thì sáng hôm sau, tại phi trường Biên Hòa, một quả bom CBU được chất lên máy bay C.130 bốn động cơ của hãng sản xuất máy bay Lốchít (Mỹ). Bom CBU có 3 khoang chứa đầy nhiên liệu Protan, một hỗn hợp bí mật các chất khí khác và chất nổ. Trừ bom nguyên tử, CBU là loại bom gây sát thương tàn ác nhất trong kho vũ khí Mỹ. Nó chưa từng được dùng trong chiến tranh. Thứ vũ khí giết người khủng khiếp này tuy do Bộ Tư lệnh không quân Sài Gòn quản lý nhưng quyền sử dụng lại do người Mỹ ra lệnh.
Xuân Lộc thất thủ, Sài Gòn bước vào giờ khắc cuối cùng, tướng Homơ Xmít, phụ trách cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ ở Sài Gòn đã cho phép sử dụng loại bom này. Chiến C.130 nặng nề lăn bánh rồi cất cánh bay về Xuân Lộc. Sau tiếng nổ dồn nén kỳ lạ, một quả cầu lửa bùng lên tạo thành một đám mây dầu đường kính tới 200m. Thế rồi đám mây dầu gặp chất kích thích cháy bùng lên tạo ra một áp suất hàng tấn trên mỗi centimet vuông, đủ để phá tan tành mọi thứ trên mặt đất. Con người dù có sống sót sau vụ nổ đầu tiên thì cũng nhanh chóng bị chết ngạt vì tiếng nổ của bom tạo ra một khoảng chân không rộng lớn…
Biến đau thương thành hành động, vào những ngày sục sôi cuối tháng 4, năm cánh quân của ta chia làm 5 hướng ồ ạt tiến về sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trên Dinh Độc lập. Cuộc trường chinh hơn 20 năm đánh Mỹ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang trong niềm vui khôn tả của đồng bào cả nước.
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU