Bài 2: “Ra quân đánh thắng trận đầu”
Có thể nói, sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944 là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Bởi, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cách mạng Việt Nam có một đội quân kiểu mới do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tổ chức, giáo dục, rèn luyện; một đội quân từ nhân dân mà ra, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi ra đời, dấu son đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là trận đánh 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Chiến thắng đầu tiên này đã khởi nguồn cho truyền thống đầy tự hào, vẻ vang “ra quân đánh thắng trận đầu”, “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trang sử vàng đầu tiên
Trong những lần về nguồn tại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu về “chiến thắng đầu tay” của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ): Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần. Nơi ghi dấu chiến công xưa của 34 chiến sĩ thuở ban đầu ấy, nay là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…
Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, ngay sau lễ thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội VNTTGPQ đã thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ vấn đề: Đánh vào đâu và đánh như thế nào, để chỉ với một lực lượng nhỏ nhưng có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự; đồng thời hạn chế tổn thất về người và vũ khí của ta. Sau khi bàn bạc các phương án, ban chỉ huy quyết định: Phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược. Mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Di tích Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), nơi ghi dấu chiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội VNTTGPQ quyết định hạ đồn Phai Khắt trước, bởi đây là một đồn nhỏ trên sườn núi, có 20 lính dõng do một viên sĩ quan người Pháp chỉ huy, xung quanh đồn có vài ngôi nhà tranh bên bờ suối, xa xa là mấy nương lúa nên cơ hội chắc thắng rất cao. Tiếp đó, đội mới đánh đồn Nà Ngần - đồn sát đường lớn, thông tin nhanh, khó bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ và địch cơ động, có khả năng chi viện cho đồn kịp thời. Khi đánh 2 đồn này và giành chiến thắng, Đội VNTTGPQ sẽ rất dễ hoạt động. Lực lượng đánh đồn gồm 2 tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh.
Chiều ngày 24-12-1944, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ ngày 25-12, “Đội xếp” Thu Sơn dẫn quân tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô lớn: “Rát-săm-măng” (tập hợp), 17 tên lính và tên cai ra tập hợp giữa sân. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.
Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25-12, đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần. Đội tiến hành rút kinh nghiệm và biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời phổ biến lại kế hoạch tiến công vào ngày hôm sau. Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải 3 “cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh đồn Phai Khắt. Khoảng 7 giờ sáng ngày 26-12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn 3 “cộng sản Mán” bị trói vào đồn cùng với lá cờ tam tài (đội lấy được ở đồn Phai Khắt). Bọn lính tưởng thật, vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả đội tiến vào đồn, theo kế hoạch đã phân công, 4 chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn…
Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự
Trong hai trận đánh đầu tiên, đội sử dụng chiến thuật tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích), đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật, nghệ thuật quân sự của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Hóa trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp song hiệu quả chiến đấu cao. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang. Quan trọng nhất là đội giành thắng lợi theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.
Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, ngay sau ngày thành lập, Đội VNTTGPQ với chiến thuật “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực... lai vô ảnh, khứ vô tung” đã tập kích thắng lợi 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần. 2 chiến thắng này đã đi vào lịch sử như một trang vàng đầu tiên của QĐND Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới đấu tranh vũ trang giành lấy chính quyền, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. QĐND Việt Nam đã ra quân là chiến thắng… |
Ngoài việc vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Lực lượng ta tham gia trực tiếp đánh đồn chỉ có hơn 20 người, vũ khí thô sơ, cán bộ chưa được thử thách qua chiến đấu. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần là phù hợp. Ngoài ra, hai đồn nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình), nên không thể chi viện kịp thời cho nhau. Trong khi đó, ta có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh.
Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt chọn lúc chiều muộn (17 giờ) khi địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần, ta chọn lúc sáng sớm (7 giờ sáng) khi địch vừa ngủ dậy vì đây là hai thời điểm quân địch sơ hở, mất cảnh giác nhất… Ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng đến thực hành tiêu diệt mục tiêu, làm cho địch không kịp phản ứng. Ngoài ra, Đội VNTTGPQ còn có sự chuẩn bị chu đáo cho trận đánh về huấn luyện và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tự vệ địa phương. Để nắm địch, đội đã biết tận dụng tai mắt quần chúng cung cấp đầy đủ những thông tin mới nhất về địch. Bởi vậy, khi thực hành tiến công đồn, ta đã “diễn”, làm cho quân địch không một chút nghi ngờ.
Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần là những chiến công oanh liệt, báo hiệu cho toàn dân tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu để chuẩn bị cho thời kỳ đứng lên giành chính quyền, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hai chiến thắng đó đã mở đầu truyền thống “ra quân đánh thắng trận đầu”, “quyết chiến quyết thắng”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, “khó khăn nào cũng vượt qua”, “kẻ thù nào cũng đánh thắng” của QĐND Việt Nam. Trong những tháng ngày “trứng nước” đó, đội quân 34 chiến sĩ thuở ban đầu ấy đã nhanh chóng phát triển, trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, mở rộng cơ sở chính trị trong quần chúng, hợp nhất với Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân, cùng các “đội quân đàn em” khác trên mọi miền đất nước đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ cho toàn dân ta vùng dậy khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (còn tiếp).
ĐÀM THANH (thực hiện)