Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng- Bài 7

Cập nhật: 19-12-2019 | 08:19:46

Bài 7: Trung đoàn 301 ngày ấy...

Đại tá Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà ông Nguyễn Văn Hữu

Ngày 27-3-1948, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được đổi tên thành Trung đoàn 301. Đây không chỉ là sự thay tên gọi mà còn đánh dấu sự phát triển, thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy mô đơn vị, trình độ, năng lực của cán bộ, chiến sĩ. Từ đây, Trung đoàn 301 cùng các lực lượng dân quân du kích trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp chiến trường, đánh dấu một bước phát triển mới của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương.

Trưởng thành nhanh chóng

Những nhân chứng lịch sử cho thời kỳ đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh nay còn lại không nhiều. Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, là một người còn lại trong số ít đó. Tai khó nghe, giọng nói không còn khỏe, tuy nhiên lần theo trí nhớ của ông, chúng tôi cũng đã tìm hiểu thêm được nhiều thông tin tư liệu lịch sử về Trung đoàn 301.

Theo tài liệu lịch sử, sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp đứng trước khó khăn lớn, buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến lược đánh lâu dài, thực hiện chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”; từ mở rộng phạm vi hoạt động chuyển sang củng cố vùng chiếm đóng. Chúng thay thế những cuộc hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ, đồng thời ra sức củng cố ngụy quyền, phát triển ngụy quân, tranh thủ viện trợ.

Ở Nam bộ, thực dân Pháp coi đây là nơi “bình định”, trọng điểm trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm biến Nam bộ thành kho dự trữ chiến lược cho cuộc chiến tranh. Chúng dành một bộ phận lớn quân đội đóng thêm đồn bót, cứ điểm, chi khu quân sự ở các đồn điền, các đường giao thông, các thị trấn, thị tứ, xây dựng các đơn vị ứng chiến cơ động, sẵn sàng mở các đợt càn quét. Trong đó, chúng coi Đông Nam bộ là chiến trường rất quan trọng, một địa bàn chiến lược, vừa là cửa ngõ phía đông, phía bắc và tây bắc Sài Gòn, vừa là vùng nối liền Nam bộ với các tỉnh ven biển miền Trung và khu vực Tây nguyên rộng lớn; là vùng tiếp giáp với chiến trường Campuchia về phía Đông Bắc.

Vì vậy, ở khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Thủ Dầu Một nói riêng có nhiều thay đổi, thực dân Pháp vạch ra kế hoạch bình định, bố trí lại chiến trường, phát triển lực lượng ngụy binh, lực lượng gián điệp, mở nhiều cuộc hành quân lớn nhỏ đánh vào các căn cứ kháng chiến và vùng du kích, tìm diệt lực lượng vũ trang và triệt phá cơ sở cách mạng ở địa phương.

Để đánh bại chính sách đó của thực dân Pháp, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ ra chỉ thị xây dựng các trung đoàn bộ đội tập trung trên toàn xứ. Theo đó, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được đổi tên thành Trung đoàn 301. Ban chỉ huy Trung đoàn 301 gồm các đồng chí Nguyễn Văn Thi, Lê Đức Anh, Đoàn Hữu Hòa và Nguyễn Văn Ngọ. Trung đoàn 301 được biên chế thành 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 901 hoạt động ở vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một; Tiểu đoàn 902 hoạt động ở quận Châu Thành và Tiểu đoàn 903 hoạt động ở địa bàn Bến Cát, Hớn Quản, Lộc Ninh.

Tạo tiếng vang lớn

Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 301 đã tổ chức một số trận đánh gây tiếng vang lớn. Điển hình là đầu năm 1948, lực lượng Tiểu đoàn 903 đột nhập nhà tên giám đốc đồn điền cao su người Đức (tên là Worser) nhưng y đi vắng, phía ta đã tha cho vợ con y và tên sếp người Pháp. Từ đó trở đi, tên giám đốc này đã đối xử tốt hơn với phu cao su, cản trở lính Pháp bắt bớ phu cao su và tiếp tế cho ta. Tháng 3-1948, Tiểu đoàn 901, 902 phối hợp với du kích Thới Hòa, Vĩnh Tân, Tân Hiệp, Tân Hóa chặn đánh một trung đoàn Âu Phi và Partidan Cao Đài, diệt 100 tên địch.

Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết dưới sự chi viện mạnh mẽ của Trung đoàn 301, phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 1948, các cấp đội được hình thành từ tỉnh đến xã (đủ ở 48 xã trong tỉnh) với 243 cán bộ, nhân viên; đã tổ chức được 47 trung đội du kích với 1.410 đội viên, 2.104 trung đội dân quân tự vệ (trong đó có 820 trung đội nữ dân quân) với gần 19.000 đội viên. Lực lượng dân quân các xã tích cực phá hoại giao thông và kinh tế của địch, điển hình như dân quân xã Tân An, Bình Hòa, Thuận Giao, An Phú... Du kích xã còn chặn đánh nhiều cuộc ruồng bố nhỏ của địch từ 1 tiểu đội đến trung đội, liên đội, liên tục tiêu hao lực lượng địch. Nổi bật là những trận kết hợp với lực lượng quốc vệ đội hoặc trinh sát và công an xung phong kiên trì theo dõi, nắm chắc quy luật hoạt động của những đội biệt kích Pháp nổi tiếng hung ác. Đó là trận phục kích Tiểu đội 1 biệt kích do tên quan ba Pháp Baras chỉ huy trên đường 13, tại cua Chú Khải, gần Phú Văn. Tự đắc xưng danh là “con sư tử” nhưng hắn và đồng bọn đã bị ta tiêu diệt hay trận tiêu diệt tiểu đội biệt kích Bạc - Nhô tại Tân Phước Khánh... Điển hình nhất là đội du kích Thanh Tuyền (Bến Cát), ngoài việc tác chiến còn tích cực tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn, tham gia xóa nạn mù chữ, biểu diễn văn nghệ...

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và phá hoại các cơ sở kinh tế của địch, dân quân nhiều xã đã tổ chức, canh gác các ngả đường bằng mõ tre, lựu đạn để bảo vệ các khu căn cứ lớn, nhỏ của ta. Từ ngày thành lập, Trung đoàn 301 đã lớn mạnh về mặt tổ chức xây dựng và chiến đấu, đánh dấu bước hoàn chỉnh quá trình thống nhất LLVT trên chiến trường miền Đông Nam bộ.

Trong 2 năm (1948-1949), với quy mô tổ chức mới về lực lượng vũ trang tập trung cùng với các đơn vị khác, Trung đoàn 301 đã đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu và công tác. Đặc biệt trên các mặt trận quân sự, đã có những trận đánh sắc bén, táo bạo, độc đáo hiệu quả cao, góp phần giữ được thế chiến trường du kích, lần lượt đánh bại các thủ đoạn chiến thuật của thực dân Pháp, gây cơ sở vùng địch hậu, bó hẹp sự kiểm soát của địch, cắt đứt nhiều tuyến giao thông quan trọng, đánh tiêu hao sinh lực địch bảo vệ hành lang kháng chiến, bảo vệ căn cứ địa cùng cả nước làm thay đổi cục diện chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp vào một giai đoạn lịch sử mới.

Cuối năm 1949, tổ chức chỉ huy ở chiến trường Nam bộ có một số thay đổi. Theo yêu cầu của trên, tháng 11-1949, Trung đoàn 301 Thủ Dầu Một sáp nhập với Trung đoàn 310 Biên Hòa thành Liên trung đoàn 310 - 310. (còn tiếp)

“Việc thành lập Trung đoàn 301 không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi mà còn thể hiện sự phát triển, thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy mô đơn vị đến trình độ năng lực của cán bộ, chiến sĩ. Điều này đã tạo điều kiện để từng bước đưa LLVT tỉnh lên trình độ mới, tổ chức huấn luyện và chiến đấu ngày một cao hơn, hiệu quả hơn. Từ đây, Trung đoàn 301 cùng các lực lượng dân quân du kích trong toàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp chiến trường”.
(Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một)

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=576
Quay lên trên