Quan hệ hợp tác Việt Nam-New Zealand còn nhiều dư địa và tiềm năng

Cập nhật: 05-12-2022 | 16:50:34

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chiều 5-12, giờ địa phương, tại thủ đô Wellington, tiếp tục các hoạt động thăm chính thức New Zealand, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Việt Nam-New Zealand.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, Hội đồng Kinh doanh ASEAN-New Zealand và các cơ quan hai nước tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor; lãnh đạo Cơ quan Thương mại và Phát triển doanh nghiệp New Zealand, đại diện Bộ Các ngành cơ bản, lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam và đông đảo các doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong thời gian thăm chính thức New Zealand đã tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp New Zealand và doanh nghiệp của người Việt Nam) và vừa tham dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục giữa hai nước tại bang Hamilton với sự hiện diện của lãnh đạo các trường đại học hàng đầu hai nước, chứng kiến lãnh đạo các trường trao 10 biên bản ghi nhớ. Đây là diễn đàn quan trọng tiếp nối Diễn đàn vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 vừa qua.

Nhấn mạnh lại những bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam-New Zealand kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 đến nay, với Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của New Zealand tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam tự hào có một người bạn thân thiết ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Ông rất chia sẻ với các ý kiến tại Diễn đàn khi cho rằng, trong một thế giới đang biến động rất khó lường, nhiều yếu tố khó đoán định như hiện nay, việc có được những người bạn tin tưởng để phối hợp, chia sẻ những giá trị chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; trao đổi hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư vì sự phồn thịnh của mỗi nước, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân mỗi nước là hết sức quý giá.

Trong tổng thể quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cùng với quan hệ tốt đẹp về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, giáo dục, khoa học và đào tạo, công nghệ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cũng ngày càng phát triển. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 4 lần trong thời gian qua, trong khi đầu tư hai nước cũng bắt đầu có những khởi sắc.

Đại biểu dự diễn đàn.

Hai nước hiện đang hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, mục tiêu này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng kinh tế của cả hai nước.

Ngay đối với Việt Nam, trước những tác động rất nặng nề do đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương năm 2021, là một trong những quốc gia đạt tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đặc biệt trong năm nay, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, với dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 8,5%. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng năm nay đạt 648 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ và khả năng sẽ vượt mốc 700 tỷ USD.

Tuy nhiên, đầu tư của doanh nghiệp hai nước còn rất khiêm tốn. Quan hệ hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều dư địa và tiềm năng.

Việt Nam hiện đã thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế gần 450 triệu USD, được Liên hợp quốc đánh giá là một trong 20 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất thế giới.

Nhân cơ hội này, hai bên cần tăng cường các hoạt động tìm hiểu nhau và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng quan hệ kinh tế Việt Nam và New Zealand đang có rất nhiều thuận lợi khi hai bên đều là thành viên của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế mới chủ chốt như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).

Hai nước có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong điều kiện thương mại, đầu tư toàn cầu đang có những đứt gãy do hậu quả của đại dịch COVID-19 và diễn biến khó lường của tình hình thế giới.

Cùng với đó, Việt Nam và New Zealand là thành viên của 4 khuôn khổ hợp tác khu vực quan trọng nhất là: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).

Những kết nối kinh tế sâu rộng ở cả cấp độ song phương và khu vực như vậy sẽ đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế, đồng thời sẽ tạo ra không gian hợp tác kinh tế mới, rộng lớn hơn và đặc biệt là hai nền kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với nhau mà có tính chất bổ sung cho nhau.

Đây là mối quan hệ hợp tác bổ sung cho nhau khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và New Zealand là một nước công nghiệp phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong chuyến thăm lần này, thực hiện lời hứa với Thủ tướng Jacinda Ardern, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11 vừa qua, đại diện Chính phủ Việt Nam sẽ trao Thỏa thuận nhập khẩu nông sản, cụ thể là quả dâu tây và quả bí ngô của New Zealand sang Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 9/2022, New Zealand đã chính thức mở cửa thị trường với trái chanh và bưởi của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết năm 2017, khi thăm New Zealand trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Chính phủ New Zealand đã quyết định mở cửa thị trường với trái chôm chôm của Việt Nam. Đây là những thông tin rất vui đối với người nông dân của cả hai nước.

Bên cạnh đó, trong tháng 1-10/2022, đã có 14.000 lượt người New Zealand sang du lịch tại Việt Nam, đóng góp đưa lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 24 lần so với cùng kỳ năm trước.

Con số này đang tiếp tục tăng lên nếu duy trì được các đường bay thẳng giữa Việt Nam và các thành phố của New Zealand.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội nói những ví dụ như vậy cho thấy rằng dư địa hợp tác còn rất lớn. Hai nước phải tháo gỡ những rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, tổ chức các cuộc gặp gỡ hoặc các chuyến thăm của các đoàn doanh nghiệp New Zealand tại Việt Nam để tìm hiểu tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Điểm lại những thành tựu nổi bật của Việt Nam kể từ sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp New Zealand hai mục tiêu phát triển đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp phát triển và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đây là khát vọng và hoài bão rất lớn nhưng Việt Nam tin rằng, với sự tự lực, tự cường, ý chí vươn lên mạnh mẽ của con người Việt Nam và hợp tác quốc tế sâu rộng như hiện nay, trong đó có Đối tác chiến lược tin cậy như New Zealand, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Ngoài những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của các doanh nghiệp New Zealand về việc hai nước có thể mở rộng hợp tác đối với rất nhiều lĩnh vực khác như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi năng lượng công bằng... Đây cũng là những vấn đề mang tính toàn cầu mà Việt Nam đang tập trung thực hiện.

Trao đổi về hợp tác trong chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đưa giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Do đó, Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước phát triển cả về công nghệ, nguồn tài chính xanh...

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay đã chuyển trọng tâm từ việc thu hút đầu tư sang chiến lược hợp tác về đầu tư.

Điều này tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể chọn lọc đầu tư các dự án công nghệ cao, có nhiều yếu tố đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường và sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp của Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, tạo ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân hiện nay khi giới trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, và xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nói các nhà đầu tư chân chính chỉ mong có môi trường đầu tư kinh doanh trong sạch, minh bạch. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu để cắt giảm các rào cản về kinh doanh, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.

Đến nay, về cơ bản, hệ thống pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ. Quốc hội Việt Nam cũng đang tập trung sửa đổi Luật Đất đai, đạo luật gốc có có liên quan đến mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việt Nam cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để đón dòng đầu tư mới. Khi cơ cấu đầu tư có sự thay đổi rất nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam và lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, với sự cộng hưởng của hai điều tốt đẹp là quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand và các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP, với không gian kinh doanh thuận lợi, rộng mở đầy tiềm năng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn được chứng kiến sự hứng khởi mạnh mẽ của các doanh nghiệp New Zealand vào Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’ Connor nhấn mạnh, hai nước có nhiều điểm tương đồng, Việt Nam là thị trường rất lớn đối với New Zealand.

Đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Damien O’ Connor cho rằng, hai nước có nhiều điểm đồng trong lĩnh vực này.

Quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp đang rất khởi sắc, có thể nói là “đơm hoa kết trái”, hai bên đã mở cửa thị trường cho một số loại trái cây của nhau.

Diễn đàn lần này là minh chứng cho quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước để có thể trao đổi, tìm kiếm các cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại cho cả hai nước trong thời gian tới.

Trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, công nghệ, văn hoá, phát triển bền vững, hai nước có rất nhiều điều có thể chia sẻ với nhau và tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược trong tương lai.

Bộ trưởng Damien O’ Connor cũng cho biết có rất nhiều doanh nghiệp New Zealand về sở hữu trí tuệ, về sản xuất đang tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam.

Bộ trưởng Damien O’ Connor nói rằng hai nước còn rất nhiều dư địa, rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác. Việt Nam là một thị trường rất lớn. Hai nước chia sẻ những giá trị chung về bình đẳng, nâng cao giá trị, chất lượng cuộc sống của người dân.

Việt Nam là đất nước vô cùng cởi mở, hiếu khách… New Zealand luôn tìm kiếm các cơ hội để có thể tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và Bộ trưởng Damien O’ Connor, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của New Zealand đã chứng kiến đại diện Chính phủ Việt Nam trao thỏa thuận nhập khẩu nông sản (quả dâu tây và quả bí ngô) của New Zealand sang Việt Nam cho đại diện Chính phủ New Zealand./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=306
Quay lên trên