Quan hệ Israel – Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng

Cập nhật: 10-09-2011 | 00:00:00

Mối quan hệ đồng minh Tel Aviv – Ankara đổ vỡ đang đẩy Washington vào tình thế khó xử và đứng trước nguy cơ bị tổn hại lợi ích tại khu vực.

Israel làm căng

Mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ bị rạn nứt sau sự việc diễn ra hồi tháng 5-2010. Vào thời điểm đó, một trong những tổ chức phi Chính phủ Hồi giáo lớn nhất là IHH và tổ chức Free Gaza Movement, được sự ủng hộ của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cử đội tàu tự do “Freedom Flotilla” gồm 6 chiếc đến bờ biển dải Gaza để phá vỡ sự phong tỏa của Israel đối với Gaza.

Rạng sáng ngày 31-5-2010, các con tàu này bị hải quân Israel chặn lại. Một lực lượng đổ bộ trang bị súng bắn đạn và súng ngắn đột kích lên các tàu trong đó có tàu Mavi Marmara khiến 8 công dân Thổ Nhĩ Kỳ và một công dân Mỹ thiệt mạng.

Phía Israel khi đó cho rằng, biệt kích nước này làm vậy để tự vệ vì bị nhóm người trên tàu tấn công bằng gậy, dao và súng. Tuy nhiên, những nhà hoạt động nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ thì khẳng định rằng, lính Israel nã súng ngay khi đặt chân lên boong tàu.

  Quan điểm chống Israel giúp Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ thế giới Arab.

Căng thẳng được đẩy lên đỉnh cao khi Liên Hiệp Quốc mới đây công bố bản báo cáo trong đó nêu rõ, việc hải quân Israel phong tỏa dải Gaza là hợp pháp nhưng họ sử dụng vũ lực "quá giới hạn" và "không hợp lý" trong cuộc tấn công nói trên. Báo cáo kêu gọi Israel cần thể hiện sự hối tiếc về vụ việc bằng một tuyên bố xin lỗi và bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Phản ứng trước báo cáo trên, một tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, nước này chấp nhận kết luận của Liên Hiệp Quốc, đồng thời tỏ ý "rất lấy làm tiếc" trước những tổn thất nhân mạng. Tuy nhiên, Tel Aviv khẳng định sẽ không xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng nước này "có quyền phòng vệ chính đáng".

Tuyên bố khước từ lời đề nghị xin lỗi này được ông Netanyahu nhắc đi nhắc lại tới ba lần. Trong khi đó, quan điểm cứng rắn này cũng được Ngoại trưởng Israel khẳng định: “Chúng ta không cần thiết phải xin lỗi. Israel sẽ không bao giờ cúi đầu”.

Theo ông Shlomo Avineri, nhà phân tích chính trị Israel, Tel Aviv quá sai lầm khi làm căng với Ankara. Tuyên bố cứng rắn của ông Netanyahu chỉ càng làm xói mòn hình ảnh của Israel, đồng thời tự cô lập chính mình.

Hai tuần trước, Cairo dọa rút đại sứ khỏi Tel Aviv, sau khi quân đội Israel tiến hành cuộc tấn công ở biên giới làm ít nhất ba binh sĩ Ai Cập thiệt mạng.

“Israel sẽ là kẻ thất bại thật sự khi để cho quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp bởi Tel Aviv có nguy cơ mất một người bạn Hồi giáo hiếm hoi ở Trung Đông - nơi đồng minh cũ của Tel Aviv như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị phế truất. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khuyến khích các nước Hồi giáo còn lại ở khu vực đưa ra những động thái tương tự, theo đó, cô lập Israel”, ông Avineru nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nhún

Đúng như nhận định của ông Avineru, ngay sau khi Israel khẳng định lập trường cứng rắn của mình, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một loạt biện pháp chống lại Tel Aviv như "phế truất" đại sứ Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ, hạ cấp quan hệ ngoại giao song phương, đình chỉ các thỏa thuận quân sự song phương; đồng thời yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đánh giá lại hành động Israel phong tỏa dải Gaza.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 6/9 tuyên bố, Ankara “hoàn toàn đình chỉ các mối quan hệ quân sự, công nghiệp quốc phòng và thương mại với Israel”. Tuy ông Erdogan không công khai trước báo giới về các biện pháp cụ thể sẽ được Ankara áp dụng, song đưa ra cảnh báo rằng “tiến trình này sẽ được triển khai bằng một loạt biện pháp khác nhau”.

Ngoài ra, ông Erdogan cũng đề cập tới trong lời phát biểu của mình đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường hiện diện hải quân trên khu vực phía Đông Địa Trung Hải. “Phía Đông Địa Trung Hải không phải là một khu vực còn xa lạ đối với chúng ta. Các căn cứ của chúng ta có đủ sức mạnh và cơ hội để triển khai các đội hộ tống. Tất nhiên, chúng ta cũng sẽ cử tàu tới vùng hải phận này một cách thường xuyên hơn”, ông Erdogan tuyên bố.

Bên cạnh các tuyên bố trên của Thủ tướng Erdogan, Ankara tăng cường các nỗ lực nhằm ủng hộ nhà nước của người Palestine trước Liên Hiệp Quốc. Đây được xem là một vấn đề “nhạy cảm” trong các mối quan hệ với Israel.

Phát biểu trong cuộc họp báo với đại diện ngoại giao Palestine Nabil Shaath, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết: “Ankara đang hỗ trợ chiến dịch của người Palestine nhằm giành được sự ủng hộ của phía cộng đồng quốc tế và sẽ nỗ lực hết sức mình nhằm đảm bảo mức phiếu ủng hộ cao nhất trước Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về việc công nhận nhà nước Palestine”.

Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có khả năng thực hiện những tuyên bố cứng rắn trên của mình. Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ từng hạ thấp quan hệ ngoại giao với Israel năm 1981, để phản đối Israel thôn tính Đông Jerusalem nhưng hai nước tái thiết lập quan hệ vào thập niên 1990 và ký một số thỏa thuận quân sự.

Việc nối lại quan hệ lúc đó diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị các nước láng giềng cô lập, vì sắp xảy ra chiến tranh với cả Hy Lạp và Syria, trong khi quan hệ căng thẳng với Iraq và Iran. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ vũ khí từ Israel. Thế nhưng, mọi chuyện giờ đã khác. Quan hệ của Ankara với các nước láng giềng những năm gần đây thay đổi rất nhanh và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này cũng phát triển mạnh, giảm sự phụ thuộc vào Israel.

Mỹ lo gánh hậu quả

Thái độ cương quyết đối đầu này của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel khiến Mỹ không khỏi lo ngại vì cả Tel Aviv và Ankara đều là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông.

Chính phủ của Thủ tướng Erdogan mới đây “nói toạc móng heo” những suy nghĩ thầm kín suốt hai năm qua rằng, Washington phải chọn Ankara hoặc Tel Aviv.

Đây là quyết định không hề đơn giản bởi cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab tại Syria cũng như kế hoạch rút quân của Mỹ tại Iraq khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ.

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho phép Mỹ đặt hệ thống radar tối tân ở nước này, nhằm giúp chống lại mối đe dọa tên lửa từ Iran. Ankara cũng có những tuyên bố cứng rắn đối với Syria về trấn áp người biểu tình, động thái được xem là đứng về phía Israel.

Tuy nhiên, sự đổ vỡ quan hệ với Israel có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ ngược lại, theo đó, gây phức tạp cho kế hoạch gọi là “xúc tiến chuyển giao dân chủ” của Mỹ ở Syria.

Trong khi đó, việc quay lưng lại với Israel, đồng minh tối quan trọng của Mỹ tại Trung Đông cũng là không thể. Do đó, theo Henri Barkey, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Lehigh, Mỹ cho rằng, Washington có thể sẽ phải chứng kiến cảnh giằng co giữa Nhà Trắng và Quốc hội trong bài toán ngả về phía Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ.

“Những nghị sĩ có quan điểm ủng hộ Israel không phải là ít trong Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, Chính phủ thì lại ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Mỹ sẽ bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc đối đầu giữa hai đồng minh”, ông Henri Barkey nhận định.

Theo tiến sĩ James Ker-Lindsay, chuyên gia cao cấp về chính trị Đông Nam châu Âu tại ĐH Kinh tế London, trong trường hợp phe ủng hộ Israel giành chiến thắng, tức là Mỹ quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara sẽ có động cơ để theo đuổi mục tiêu lãnh đạo thế giới Hồi giáo bằng việc nâng cao hình ảnh của mình trong thế giới Arab nhờ quan điểm chống Israel. Đến khi đó, hậu quả sẽ là khôn lường.

Bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Palestine trước Liên Hiệp Quốc sẽ khiến Mỹ trở thành “kẻ bù nhìn”. Nói cách khác, Ankara sẽ qua mặt Washington để giữ vai trò dẫn đầu phong trào ủng hộ Palestine, vốn đang vận động thế giới công nhận nhà nước độc lập tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ trong tháng này.

Như vậy, nếu quan hệ đồng minh giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ càng lún sâu vào suy thoái thì những lợi ích của Mỹ tại khu vực sẽ càng bị đe dọa.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên