Quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng vì Hiệp ước START mới

Cập nhật: 18-05-2011 | 00:00:00

Ngày 16-5, tại cuộc họp của Hội đồng chuyên gia phối hợp hành động giữa Nga và NATO về hệ thống phòng thủ lên lửa ở Hạ viện Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov tuyên bố nước này có quyền rút khỏi START mới nếu Mỹ tiếp tục triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở nhiều quốc gia châu Âu.

Hiệp ước 1 năm tuổi này chỉ vừa được Quốc hội hai nước thông qua vài tháng trước giờ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Tên lửa SM-3 được trang bị trên tàu USS Decatur của Mỹ.

Mối lo của Nga

Tháng 4-2010, Nga-Mỹ đặt bút ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (còn gọi là START mới). Ở thời điểm đó, truyền thông quốc tế cho rằng đây là hiệp ước mang tính lịch sử vì nó gồm những cam kết quan trọng về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của hai nước trong nỗ lực tránh nguy cơ cuộc chiến tranh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Hơn một năm sau, một trong hai đối tác tuyên bố khả năng rút khỏi hiệp ước trên vì mâu thuẫn vẫn tồn tại.

Hồi đầu tháng, sau hơn một năm thương lượng, Mỹ và Romania đã nhất trí triển khai các dự án thuộc NMD của Mỹ tại căn cứ không quân Deveselu (hạt Olt, miền Nam Romania). Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ kế hoạch bố trí NMD của Mỹ tại châu Âu. Trước mắt, khoảng 200 binh sĩ Mỹ được triển khai tại căn cứ Deveselu nhưng khi cần thiết, con số này có thể tăng lên 500 binh sĩ. Song song đó, Lầu Năm góc cũng tái khẳng định chủ trương triển khai một trạm radar tại CH Czech và các tên lửa đánh chặn tại Ba Lan. Theo kế hoạch này, ở CH Czech, Mỹ sẽ triển khai một đài radar. Còn ở Ba Lan, Mỹ sẽ triển khai một trận địa tên lửa ở Tresin, cách Kaliningrad (khu vực tiền đồn của nước Nga) khoảng 200km và sẽ bố trí ở đó 10 tên lửa đánh chặn.

RIA Novosti cho rằng, thông tin có được từ các nguồn tin quân sự cho thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ theo đuổi dự án NMD ở châu Âu theo 4 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (trước năm 2011), Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có, gồm cả tên lửa Aegis trang bị trên tàu chiến, tên lửa đánh chặn SM-3 và các hệ thống radar giám sát di động. Giai đoạn 2 (trước năm 2015), Mỹ triển khai các phiên bản hệ thống phòng thủ có khả năng tốt hơn, các radar hiện đại hơn. Giai đoạn 3 (trước năm 2018) và giai đoạn 4 (trước năm 2020), Mỹ phát triển và triển khai tên lửa đánh chặn và radar có khả năng chống tên lửa tầm trung, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiệu quả hơn.

Quay lưng vì bị thất hứa

Còn nhớ, vào tháng 9-2009, cùng với nỗ lực cải thiện quan hệ song phương Mỹ-Nga, Tổng thống Mỹ B.Obama tuyên bố tạm ngừng tất cả kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, một kế hoạch còn dở dang dưới thời cựu Tổng thống G.Bush. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đi ngược với những gì mà ông Obama cam kết.

Ông Riabkov nêu rõ Nga đã nhiều lần cảnh báo việc gia tăng về số lượng và chất lượng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngân sách của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ năm 2012 sẽ tăng lên và đạt mức 8,6 tỷ USD, cao hơn so với 7,8 tỷ USD trong năm 2010.

Tất cả những bước đi trên của Mỹ đã dấy lên mối lo ngại của Nga, đối tác chính của nước này trong khuôn khổ START mới. Dù Mỹ đã nhiều lần trấn an Nga rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa cho châu Âu không nhằm chống Nga mà chỉ nhằm phản công lại một vụ tấn công có thể xảy ra bằng tên lửa của Iran hay CHDCND Triều Tiên nhưng đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra được những bảo đảm mang tính pháp lý và chính trị rằng NMD của Lầu Năm góc sẽ không ảnh hưởng gì đến Nga. Cụ thể là bảo đảm pháp lý từ phía NATO và lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga có khả năng đáp trả mọi hành động xâm lược tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, xuất phát từ một nước hay một nhóm nước.

Giới quân sự Nga lo ngại, hệ thống NMD mà Washington đang đẩy mạnh có thể một ngày nào đó chuyển thành vũ khí tự vệ nhằm vào miền Tây và Nam của Nga. Hiện nay, với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đặt trên các hạm đội của Mỹ ở biển Bắc, biển Đen, Địa Trung Hải và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo điều khiển từ xa đặt ở Đông Âu thì dường như toàn bộ biên giới phía Tây nước Nga đã bị Mỹ bao vây. Trước những mối đe dọa đối với tiềm năng lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, có thể được Mátxcơva coi là trường hợp đặc biệt được nêu trong Điều 14 của START mới, quy định khả năng Nga rút khỏi hiệp ước này.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=285
Quay lên trên