Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột nổi sóng sau khi một ủy ban Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết khẳng định đế quốc Ottoman - tiền thân của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay - đã phạm tội diệt chủng người Armenia trong Thế chiến I.
AFP đưa tin bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, tối qua 4-3 (sáng nay giờ VN), Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết “diệt chủng Armenia”, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu vấn đề này tại hạ viện. Nghị quyết này xuất phát từ nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ của cộng đồng người Mỹ gốc Armenia.
Người Armenia bị treo cổ ở Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời Thế chiến I
Đáp trả, chính quyền Ankara đã triệu hồi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ là Namik Tan về nước để phản đối. “Chúng tôi phản đối nghị quyết này, bởi nó cáo buộc đất nước Thổ Nhĩ Kỳ một tội mà chúng tôi không gây ra” - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố.Ông Erdogan mô tả nghị quyết trên phản ánh “sự thiếu hụt một cái nhìn chiến lược” của các nghị sĩ Mỹ trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ “đang hợp tác trên nhiều phương diện”. “Nghị quyết này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ”, ông Erdogan cảnh báo.
AFP cho biết trước đó chính quyền Mỹ cũng cảnh báo nghị quyết này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ hi vọng Hạ viện Mỹ sẽ không bỏ phiếu thông qua nghị quyết này. “Tôi không cho rằng một quốc gia nên can thiệp vào vấn đề song phương của hai quốc gia khác”, bà Clinton tuyên bố.
Theo chính quyền Armenia, tổng cộng 1,5 triệu người nước này bị đế quốc Ottoman sát hại trong Thế chiến I. Phía Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận việc giết chóc đã xảy ra, nhưng cho rằng chỉ có khoảng 300.000-500.000 người Armenia chết, và một con số người Thổ Nhĩ Kỳ tương đương cũng thiệt mạng khi người Armenia đứng lên giành độc lập.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định không hề có chuyện đế chế Ottoman chủ mưu sát hại người Armenia một cách có hệ thống. Trước nay chính quyền Mỹ vẫn lên án các vụ thảm sát năm 1915-1919, nhưng chưa từng dán nhãn sự kiện này là “diệt chủng”, do sợ ảnh hưởng đến quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, và là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông.
(Theo Tuổi Trẻ)