Quân Hitler tìm kiếm gì trong chuyến thám hiểm bí mật tới Tây Tạng?

Cập nhật: 30-08-2021 | 10:13:56

Các nhà sử học vẫn đang tranh cãi về lý do gửi đoàn thám hiểm bí mật đến Tây Tạng theo chỉ thị trực tiếp của trùm SS Heinrich Himmler vào năm 1938.

Di sản của tổ tiên

Năm 1935, bất chấp việc Adolf Hitler miễn cưỡng ủng hộ các nhà tư tưởng về khái niệm Hyperborean, trùm an ninh Đức Quốc xã - Thống chế SS Heinrich Himmler - đã thành lập tổ chức “Di sản của Tổ tiên” (“Ahnenerbe”). Các nhà khoa học làm việc ở đó được giao một nhiệm vụ tìm kiếm khắp thế giới bằng chứng về “đẳng cấp” của chủng tộc Aryan. Dưới sự bảo trợ của “Ahnenerbe”, các cuộc thám hiểm đã được tổ chức trên khắp thế giới, bao gồm cả đến Tây Tạng bí ẩn và ít được nghiên cứu.


Từ năm 1938-1939 theo lệnh của trùm an ninh Đức Quốc xã, một đoàn thám hiểm bí mật đã được gửi đến Tây Tạng. Nguồn: topnovoje.mediasole.ru

Để giới khoa học thế giới nghiêm túc xem xét kết quả của chuyến thám hiểm Tây Tạng, và không coi đây là một cuộc thám hiểm giả khoa học, Himmler đã mời nhà khoa học nổi tiếng Ernst Schaeffer dẫn đầu đoàn. Nhà nghiên cứu sinh vật học có danh tiếng cùng một số lượng lớn các ấn phẩm khoa học, các báo cáo phân biệt chủng tộc và kinh nghiệm của các cuộc thám hiểm Tây Tạng đã không đồng ý ngay lập tức.

Nhưng mong muốn đáp ứng mối quan tâm khoa học thông qua tài trợ của chính phủ cuối cùng đã thành công, Schaeffer thậm chí còn tham gia lực lượng SS - điều kiện tiên quyết duy nhất đối với tất cả những người tham gia chuyến đi. Tên ban đầu “Cuộc thám hiểm của Schaefer 1938/39” được đổi thành “Cuộc thám hiểm Tây Tạng của Ernst Schaefer”, dưới sự bảo trợ không chính thức của ông trùm SS. Điều thú vị là 80% dự án không được tài trợ bởi các cơ quan chính phủ, mà bởi các đại diện của các doanh nghiệp lớn và Hiệp hội nghiên cứu Đức.

Shambhala và “lý thuyết về băng vĩnh cửu”

Theo một giả thuyết phổ biến, Heinrich Himmler - một người hâm mộ nhiệt thành của khoa học huyền bí và chủ nghĩa thần bí - cho đến thời gian đó vẫn tin rằng đoàn thám hiểm Tây Tạng sẽ tìm thấy dấu vết của đất nước bí ẩn Shambhala, nơi sinh sống của những người “được lựa chọn”. Và đồng thời nó sẽ chứng minh “lý thuyết về băng vĩnh cửu” là giả khoa học. Ở một nơi nào đó cao trên núi (rất có thể là ở Tây Tạng), các bộ lạc của “người Aryan thực sự” sinh sống, những người sống sót sau “sự sụp đổ của băng thế giới” tiếp theo. Himmler không phải là người duy nhất tin vào lý thuyết này.

Một trong những nhà tư tưởng của Đệ tam Đế chế, Alfred Rosenberg, cũng tin rằng người Aryan cổ đại đã trốn thoát sau trận Đại hồng thủy ở vùng núi Tây Tạng và định cư ở đất nước Shambhala dưới lòng đất. Sự tồn tại của người Aryan cổ đại sẽ chứng minh ưu thế chủng tộc của quốc gia Đức. Đức Quốc xã đã không tìm ra quốc gia bí ẩn, và các nghiên cứu nhân chủng học về các dân tộc bản địa cũng không xác nhận được giả thuyết mối quan hệ của họ với các bộ tộc Germanic cổ đại.

Giả thuyết chính thức

Theo dữ liệu chính thức, từ tháng 5/1938 đến tháng 8/1939, đoàn thám hiểm Tây Tạng đã thu thập được một bộ sưu tập phong phú các tài liệu sinh học và nhân chủng học. Ngày 4/8/1939, đoàn thám hiểm quay trở lại Đức qua Baghdad. Kết quả của chuyến thám hiểm, 22.000 bức ảnh đã được chụp, dữ liệu đo đạc của 376 người đã được thu thập, các giống chó mèo quý hiếm, da thú, bộ lông chim, hàng nghìn mẫu ngũ cốc đã được mang về. Dữ liệu sinh học và dân tộc học đã được công bố gần như ngay lập tức sau khi đoàn thám hiểm trở về. Hàng loạt ấn phẩm và phim có nội dung nhồi sọ được phát hành.


Nhiệm vụ của đoàn thám hiểm hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ; Nguồn: topnovoje.mediasole.ru

Schaefer và các cộng sự được chào đón như những anh hùng dân tộc; Himmler tặng Schaefer chiếc nhẫn “Đầu Tử thần” (“Death's Head”) và một con dao găm SS danh dự. Nhưng cho đến nay, vẫn không rõ tại sao một bộ phận đặc biệt được thành lập dưới Ahnenerbe, trong nhiều năm chỉ chuyên tham gia vào việc hệ thống hóa các kết quả tài liệu của chuyến thám hiểm. Và tại sao hầu hết các phát hiện được bảo mật? Có lẽ vì mục đích của chuyến thám hiểm không chỉ là công việc khoa học?

Tìm kiếm kiến ​​thức bí mật

Về mặt chính thức, các hoạt động của chuyến thám hiểm bao gồm việc nghiên cứu khí hậu, địa lý và văn hóa của Tây Tạng, đồng thời, các nhân viên của Schaefer đã tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực chủng tộc học, đặc biệt là các phép đo sọ não và nhân trắc học của người Tây Tạng để chứng minh họ thuộc về người Aryan cổ đại. Không chỉ Shambhala thu hút Đệ tam Đế chế. Những “người Aryan thực sự” của Tây Tạng được cho là đã giữ kiến ​​thức bí mật và sở hữu những quyền năng huyền bí, điều mà Himmler rất muốn có được.

Người ta đồn rằng trùm SS hy vọng lấy được từ các nhà sư Tây Tạng một loại vũ khí bí mật và chết chóc do một nền văn minh cổ đại tạo ra. Himmler thực sự bị ám ảnh bởi ý tưởng này. Các nhà sử học cho rằng sự quan tâm của ông này không chỉ dựa trên niềm đam mê đối với những điều huyền bí và thần bí, mà còn có những lý do thực sự. Các đại diện của đoàn thám hiểm đã đến thăm các thành phố linh thiêng của Tây Tạng Lhasa và Shigatse, nơi họ nhận được một bộ sưu tập đầy đủ về bộ luật tôn giáo Phật giáo Kanzhur (108 quyển), các mẫu mạn đà la và các văn bản cổ khác. 

Nó chỉ đủ để gợi lại câu chuyện bí ẩn của nhà thám hiểm nổi tiếng và nhân viên của Tổng cục Chính trị Nhà nước thống nhất (Объединённое государственное политическое управление - ОГПУ - OGPU) Yakov Blumkin. Trong quá trình bắt giữ anh ta, họ đã tìm thấy một vali lớn với một lượng lớn tiền ngoại tệ. Như Blumkin cam đoan, anh ta đã nhận được tiền từ tình báo Đức để có dữ liệu bí mật về tọa độ địa lý chính xác của Shambhala. Trong các cuộc thẩm vấn, Blumkin nói rằng trong một chuyến đi đến Mông Cổ, anh ta được cho là đã đến thăm Tây Tạng và tìm thấy một thành phố bí ẩn dưới lòng đất. Ở đó, anh ta đã được trình diễn những vũ khí có khả năng “làm lóa mắt” toàn bộ quân đội và những cỗ máy kỳ lạ có thể “di chuyển vật thể” với sự trợ giúp của bột vàng.

Cho đến khi bị hành quyết, Blumkin vẫn khẳng định mình đã nhận được thông tin rất bí mật từ các nhà sư Tây Tạng và bán nó cho Đức Quốc xã. Những gì Blumkin nói không có bằng chứng hữu hình, ngoại trừ một chiếc vali chứa hàng triệu USD. Một sự thật khác vẫn là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Sau chuyến thám hiểm Tây Tạng, Đức Quốc xã đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế được đăng ký, bao gồm cả các thiết bị điện tử tâm lý. Công trình nghiên cứu của sĩ quan SS và nhà khoa học người Đức Werner von Braun đã đặt nền móng cho ngành chế tạo tên lửa thế giới.

Người Đức cũng là những người đầu tiên trên thế giới phát minh ra “cánh bay”, là người đầu tiên bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân; máy bay phản lực đầu tiên cũng xuất hiện ở Đức. Có phải “kiến thức bí mật” của các nhà sư Tây Tạng, do Blumkin bán hoặc có được trực tiếp trong chuyến thám hiểm, đã giúp các nhà khoa học Đức nảy sinh những ý tưởng đổi mới? Các nhà sử học vẫn tiếp tục tranh luận về điều này.

Quan hệ thân thiết

Đáng chú ý là người Tây Tạng, những người đã bị cô lập trong nhiều thế kỷ và không cho phép người nước ngoài đến thăm, vì một lý do nào đó đã bỏ qua những điều cấm kỵ và nhiệt liệt chào đón chuyến thám hiểm của Đệ tam Đế chế. Các nhà khoa học Đức được tiếp cận những nơi linh thiêng nhất đối với người Tây Tạng, đọc các bản thảo cổ, tham dự các nghi lễ tôn giáo và thậm chí khai quật những nơi chôn cất. Họ thực hiện nghiên cứu dân tộc học - họ đo hộp sọ của cư dân bản địa, nhổ răng và lấy các “mẫu” khác.


Hiện nay, các cuộc tranh luận về nhiệm vụ bí ẩn của đoàn thám hiểm vẫn đang diễn ra. Nguồn: russian7.ru

Có giả thuyết cho rằng công trình này trở thành một phần trong chương trình mở rộng của Đức Quốc xã nhằm tạo ra “siêu nhân”. Cuộc thám hiểm Tây Tạng về mặt kỹ thuật là một cuộc thám hiểm dân sự, nhưng nó được tài trợ một cách hào phóng bởi quân đội. Khi đó, Đệ tam Đế chế đang cố gắng giải quyết những nhiệm vụ quân sự nào mà cử các nhà khoa học đến vùng núi Tây Tạng?

Người ta tin rằng Himmler đã gửi hai chuyến thám hiểm đến Tây Tạng. Một đoàn chính thức, gồm 5 người, do Ernst Schaeffer dẫn đầu. Với sự giúp đỡ của Himmler và Bộ trưởng Ngoại giao Ribbentrop, đoàn thám hiểm đã được chính quyền thuộc địa Anh cho phép đi qua lãnh thổ của Ấn Độ. Vì một lý do nào đó, nhóm này phải ở biên giới hơn một ngày để chờ Đức Đạt Lai Lạt Ma cho phép. Nhóm thứ hai, bí mật, bao gồm một nhân viên đài liên lạc và một số tình báo, nhập với nhóm đầu tiên đã ở Tây Tạng.

Và, kỳ lạ thay, đoàn này không gặp bất kỳ khó khăn nào khi nhập cảnh. Rất có thể, đoàn thám hiểm thứ hai được tiếp cận các bản thảo bí mật và các di tích cổ đại. Không loại trừ việc chính quyền Đức trước đó đã đàm phán với Tây Tạng. Với mục đích gì thì không rõ. Thực tế vẫn là nhân viên liên lạc vô tuyến tham gia cuộc thám hiểm đã thiết lập một kết nối giữa Berlin và Lhasa. Ông này vẫn ở lại Tây Tạng sau khi Đệ tam Đế chế sụp đổ. Những thông điệp mà ông ta truyền tải đến Berlin vẫn còn là một bí ẩn.

Việc người Đức và các nhà sư Tây Tạng hợp tác được xác nhận bằng việc Nhiếp chính Tây Tạng đã tặng Hitler một con chó ngao thuộc giống quý Tây Tạng, một đồng tiền vàng, một chiếc bát bằng bạc và một chiếc áo choàng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngoài ra, có rất nhiều người Tây Tạng trong số những người bảo vệ hầm trú ẩn Fuehrerbunker và nhiều mục tiêu quan trọng khác của Berlin khi bị quân đội Liên Xô bao vây./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết
Tags
hồ sơ

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1216
Quay lên trên