Quản lý cốc thủy tinh có chứa chất độc hại: Cần những giải pháp hiệu quả

Cập nhật: 17-02-2011 | 00:00:00

Trước tình hình cốc thủy tinh (CTT) có chứa hàm lượng chì cao gấp hàng ngàn lần mức độ cho phép và một số chất độc hại khác có thể làm giảm chỉ số thông minh của trẻ em, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có Công văn số 03/QLCL-CL1 cảnh báo. Tuy nhiên đến nay, việc quản lý các loại cốc này cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, bởi thiếu căn cứ...

Ông Nguyễn Thành Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH-CN tỉnh cho biết, vừa qua chi cục đã đi khảo sát tại các siêu thị, nhà sách trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều có bán mặt hàng này. Các loại CTT này, ngoài mục đích sử dụng để uống còn được dùng làm vật trang trí, quà tặng được các em thiếu nhi, tuổi teen ưa thích. Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi chì quá giới hạn cho phép có khả năng làm giảm chỉ số thông minh của trẻ và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

 

Các mẫu ly, bình chứa có chứa hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,25 đến 2.000 lần

Tuy nhiên đến nay, việc quản lý CTT chứa chất độc hại mới dừng lại ở việc tuyên truyền, khuyến cáo chứ chưa có biện pháp xử lý. Cụ thể, chi cục yêu cầu các cơ sở kinh doanh tạm dừng kinh doanh CTT nêu trên; khẩn trương liên hệ đến nhà phân phối đề nghị cung cấp kết quả chứng minh các sản phẩm CTT này, nếu kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa (hàm lượng chì và các độc tố khác) đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật thì tiếp tục kinh doanh. Trường hợp kết quả chứng minh các sản phẩm CTT không đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật thì không được phép kinh doanh và tiến hành trả sản phẩm về nhà cung cấp. Và trước khi nhập hàng hóa CTT về kinh doanh thì công ty và cơ sở phải có hồ sơ kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu theo quy định và nhãn mác phù hợp.

Theo ông Hiển, nguyên nhân mà chi cục không tiến hành lấy mẫu kiểm tra là do, đến nay chưa có đơn vị nào trong cả nước có thể thử nghiệm kết quả chính xác là các loại CTT nhiễm độc chì và các độc tố khác là bao nhiêu. Bởi các đơn vị không thể thử nghiệm tách rời giữa phần ly thủy tinh và hoa văn bên ngoài, mà phải nghiền nát tất cả thành bột. Trong khi đó, bản thân thủy tinh đã chứa một lượng chì nhất định nhưng chì trong thủy tinh thì không thôi nhiễm nên không độc hại. Vì vậy khi bị nghiền nát tất cả để thử nghiệm sẽ cho kết quả không chính xác. Do đó, chi cục không có căn cứ để lấy mẫu kiểm tra cũng như có biện pháp xử lý. 

Trước công văn của chi cục, ghi nhận tại các siêu thị, nhà sách lớn đã vắng bóng các loại CTT này, tuy nhiên ở các cửa hàng quà lưu niệm, lề đường thì vẫn còn xuất hiện và khó có khả năng quản lý. Trong khi đó, người tiêu dùng hầu như vẫn không hay biết về tính độc hại rất lớn của những sản phẩm này. Chị Nguyễn Thị Hà, một người dân cho biết: “Tôi thấy mấy cái ly này đẹp nên mua về cho bọn trẻ. Tôi đâu có biết độc hại gì đâu”.

Thực tế, nhiễm độc chì rất nguy hiểm. Ông Lê Trường Giang, Viện Hóa học, cho biết chì được sử dụng rất nhiều trong các hoạt động công nghiệp như ngành in, luyện thép, điện, sản xuất ô tô... cũng như cuộc sống hàng ngày. Nguồn gây ô nhiễm chì cần phải kiểm soát vì có thể xâm nhập cơ thể sống qua đường hô hấp, tiêu hóa, qua da và hấp thụ vào máu. Theo đó, chì hấp thụ qua đường hô hấp nguy hiểm nhất, do chì và các hợp chất của chì gần như được hấp thụ toàn bộ tại phổi, sẽ theo máu đi tới các cơ quan trong cơ thể. Chì hấp thụ qua đường tiêu hóa thấp hơn so với đường hô hấp do phụ thuộc khả năng hòa tan của chì và các hợp chất trong hệ thống tiêu hóa. Chì cũng có thể hấp thu qua da, đặc biệt khi da bị tổn thương. Chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ sinh sản và hệ tim mạch của con người. Khi bị nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng có hại tới chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp. Đặc biệt chì gây ảnh hưởng nguy hại rất lớn đối với trẻ em. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy nhiễm độc chì làm giảm mạnh chỉ số thông minh (IQ) của trẻ ở tuổi đi học. Nhiễm độc chì làm hệ thần kinh luôn căng thẳng, gây rối loạn sự tập trung chú ý ở trẻ em 7 - 11 tuổi. Ở tuổi trung niên, nhiễm độc chì làm huyết áp tăng, gây nhiều rủi ro về các bệnh tim mạch. Việc nhiễm chì dù ở mức thấp cũng gây ngộ độc mạnh.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=495
Quay lên trên