Quản lý kênh rạch: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

Cập nhật: 08-05-2012 | 00:00:00

Việc đầu tư nạo vét, củng cố bờ bao các con kênh, rạch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được cơ quan chức năng chú ý do có sự tác động ngày càng mạnh mẽ của các đợt triều cường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để việc quản lý hệ thống kênh, rạch đạt hiệu quả cao nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Nhiều tuyến đê bao yếu

Nhiều đợt triều cường ngay vào thời điểm có mưa lớn trong năm 2011 đã gây ra tình trạng ngập úng tại một số địa bàn, trong đó nặng nề nhất là ở TX.Thuận An và Thủ Dầu Một. Đặc biệt, cuối năm 2011 tại 2 thị xã này còn xảy ra tình trạng vỡ bờ bao gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tại TX.Thủ Dầu Một, phía tây là sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 15,5km, trong đó đoạn ven sông Sài Gòn từ cầu Ông Cộ đến cầu Rạch Trầu thuộc xã Chánh Mỹ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đầu tư xây dựng hệ thống đê bao Tân An - Chánh Mỹ. Đoạn còn lại thuộc xã Tương Bình Hiệp và các phường Chánh Nghĩa, Phú Thọ chưa được đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ven sông. Trong năm 2011, một số địa bàn của TX.Thủ Dầu Một xảy ra tình trạng ngập úng do triều cường gồm các phường, xã: Chánh Nghĩa, Phú Thọ, Chánh Mỹ, Tân An và Tương Bình Hiệp. Hiện nay, hiện trạng bờ bao tại các địa phương này rất yếu, có nguy cơ tràn và sạt lở cục bộ khi có triều cường; một số đoạn bờ bao sau một thời gian sử dụng bị lún, xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu chống ngập úng khi có triều cường; một số rạch không có cống ngăn triều, bờ thấp nên dễ bị tràn cục bộ.

 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu trên địa bàn tỉnh

TX.Thuận An ở phía đông nam có sông Sài Gòn chảy qua với tổng chiều dài khoảng 14km đã được Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn. Trong thời gian qua, TX.Thuận An cũng đã đầu tư nạo vét, khai thông dòng chảy, gia cố bờ bao các tuyến rạch nội đồng. Điều này đã tác động tích cực đến việc ngăn triều cường, tiêu thoát nước chống ngập úng trong các đợt triều cường vừa qua. Tuy nhiên, trên địa bàn TX.Thuận An tình trạng ngập úng vẫn còn xảy ra tại một số nơi như tại xã An Sơn, phường An Thạnh, xã Bình Nhâm, xã Hưng Định, phường Lái Thiêu, phường Vĩnh Phú. Nhiều hệ thống bờ bao tại các địa phương này thấp và yếu nên rất dễ xảy ra tình trạng ngập úng cũng như vỡ bờ bao mỗi khi có triều cường.

Bất cập trong quản lý

Hiện nay, công tác quản lý hệ thống cống, bờ bao kênh rạch tại một số địa phương còn nhiều bất cập. Tại xã An Sơn đã có hiện tượng người dân dùng các tảng đá lớn để chặn các cống quay, nên một số cống không thể vận hành, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc quản lý kênh rạch khi có triều cường. Cùng với đó là một số cống bị hư, rỉ sét, cửa cống bị kẹt, cống bị hở nên khi có triều cường tình trạng ngập úng vẫn xảy ra. Vẫn còn hiện tượng một số hộ dân lấn chiếm hành lang sông rạch, gây ra nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ. Ngoài ra, trên địa bàn TX.Thuận An còn xảy ra nhiều trường hợp các hộ dân tái lấn chiếm hành lang đê bao ven sông Sài Gòn. Đặc biệt là tại tuyến đê bao thuộc xã An Sơn, Bình Nhâm có tình trạng xe vận chuyển cát trên đê bao làm lún mặt đê; tình trạng khai thác cát trên đoạn sông Sài Gòn thuộc tuyến đê bao này vẫn còn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn và tính ổn định của công trình đê bao.

Cùng với các hiện tượng nói trên là tình trạng bờ bao một số kênh rạch nằm trong phạm vi đầu tư của một số đơn vị chưa được duy tu, sửa chữa, gia cố do các đơn vị này chưa triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, khi triều cường một số kênh rạch tại các địa điểm này bị tràn bờ, dẫn đến vỡ bờ bao và gây ra nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Các đoạn bờ bao có nguy cơ vỡ bờ khi triều cường đạt đỉnh là các con kênh rạch nằm trong khu quy hoạch phức hợp nghỉ dưỡng- Làng đại học do Công ty TNHH Thành Nguyên làm chủ đầu tư thuộc phường Chánh Nghĩa, TX.Thủ Dầu Một. Còn tại khu vực thuộc Khu du lịch Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) một số cống tuy có nắp đậy nhưng qua kiểm tra không bảo đảm. Trong khi đó, DN Thanh Cảnh cho rào chắn tại tuyến đê bao ven sông làm cho lưu thông của nhân dân bị gián đoạn; đồng thời khi có sự cố xảy ra tại vị trí một số cống thuộc khu du lịch này thì người dân và chính quyền địa phương không thể vào để xử lý khắc phục sự cố!

Mùa mưa năm 2012 đã bắt đầu và theo dự báo thì tình hình mưa bão trong năm nay sẽ diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy công tác quản lý, gia cố bờ bao các hệ thống kênh rạch trên địa bàn các địa phương này cần được chú trọng nhiều hơn. Quản lý kênh rạch mà cứ để “nước đến chân mới nhảy” thì người dân sống tại các khu vực này sẽ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất!

ĐÀ BÌNH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam: “Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, lấn chiếm kênh rạch”

Nếu so với yêu cầu phát triển đô thị của Bình Dương thì hệ thống đê bao, kênh rạch đã và đang bộc lộ các yếu kém. Một số đơn vị, địa phương chưa xác định được đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với yêu cầu phát triển đô thị. Việc kiên cố hóa kênh rạch, bờ bao để ngăn chặn ngập úng, bảo vệ đô thị có tầm quan trọng đặc biệt. Do vậy, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong việc quản lý hệ thống kênh rạch, cũng như tăng cường sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc rà soát lại các điểm sạt lở và gia cố các công trình. Cần làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc phối hợp bảo vệ, nâng cấp hệ thống kênh rạch; tăng cường công tác tuyên truyền đối với người dân và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, lấn chiếm kênh rạch”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên