Ngày 3-8, sau hơn một tuần thông tin giá sữa tăng rộ lên, sức mua các sản phẩm sữa tại các chợ, cửa hàng tạp hóa giảm nhẹ, trong khi đó siêu thị với lợi thế vẫn còn hàng dự trữ thu hút khá đông khách vào đây mua.
Dù là mặt hàng thuộc diện bình ổn nhưng tốc độ tăng giá sữa vẫn chưa kìm được
Ông Mười, kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3), cho biết một số phụ huynh đã chuyển sang mua sữa nội cho con như một giải pháp tình thế, khách hàng hiện nay chủ yếu đến mua sữa nước, sữa chua.
Theo những người bán, trước mỗi lần thông tin tăng giá sữa rộ lên, khách đổ xô đi mua trữ để có giá cũ nhưng sau đó thị trường lại rơi vào trầm lắng. “Qua báo đài chúng tôi còn biết lý do tăng chứ người giao hàng chỉ thông báo miệng và mấy ngày sau đơn giá tăng được gửi đến”, bà Thường, kinh doanh tạp hóa trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), cho biết.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết tuy đã nhận thông báo tăng giá từ phía nhà cung cấp hơn một tuần nay nhưng do còn nguồn hàng trước đó nên nơi này vẫn bán giá cũ. Dù vậy, một số mặt hàng sữa nước, sữa đặc có đường hiện đã nhập hàng mới bán theo giá đề nghị của nhà cung cấp với mức tăng 5-6%.
Trong pháp lệnh giá, sữa nằm trong các mặt hàng kiểm soát giá và những mặt hàng được bình ổn nhưng thực tế giá sữa vẫn tăng đều trong các quý với nhiều lý do khác nhau.
Theo thông tư 104/2008/TT-BTC, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức bình ổn giá khi xét thấy mức giá của danh mục mặt hàng không hợp lý. Với mặt hàng sữa, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động thì cơ quan quản lý có quyền áp dụng một số biện pháp hỗ trợ chính sách bình ổn giá như đình chỉ các mức giá không hợp lý, phạt cảnh cáo, phạt tiền với các trường hợp vi phạm về giá cả, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận, giấy phép kinh doanh...
Thế nhưng số tiền bị xử phạt hành chính theo dự thảo bổ sung nghị định số 169/2004/NĐ-CP chỉ từ 10-20 triệu đồng kèm theo tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch giá thu được do bán sữa vượt quá giá quy định được xem là quá nhỏ so với lợi nhuận đem lại. Trường hợp doanh nghiệp khi muốn điều chỉnh giá phải nộp hồ sơ đăng ký giá bán, trong đó có thuyết minh mức giá. Dự thảo bổ sung thông tư 104 Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thì mức xử phạt không hơn là bao nhiêu.
Luật sư Thúy Hường, Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu & cộng sự cho rằng ngay cả mức tăng giá, các DN đã biết lách luật khi không vượt quá mức 20% như thông tư 104 đã quy định. Đây chính là những sơ hở để các doanh nghiệp có thể lách được và tiếp tục tăng giá sữa. Theo bà Hường, trong khi pháp luật còn sơ hở, các hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có thể dùng sức mạnh tinh thần tác động đến xu hướng tiêu dùng của người dân, hạn chế sự phụ thuộc nuôi con bằng sữa ngoại.
Ngay cả hệ thống bán lẻ như siêu thị cũng có thể thể hiện thái độ bằng cách ưu tiên bán sữa không tăng giá, ủng hộ những sản phẩm thân thiện, phù hợp lợi ích người tiêu dùng.
Theo TUỔI TRẺ