Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

Cập nhật: 22-11-2023 | 16:11:15

(BDO) Trong quá trình hình thành và phát triển, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã hình thành, lưu giữ nhiều di sản văn hóa (DSVH) ý nghĩa, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa. Đây chính là những “tài sản” có giá trị to lớn về mặt tinh thần, thể hiện sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa từ bao đời nay, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quan tâm bảo tồn

Cùng với việc tổ chức lễ đón nhận DSVH phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”, trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã phối hợp với các địa phương tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích Mả 35 (phường Tân Bình, TP.Dĩ An, xếp hạng công nhận tháng 11-2022) và di tích đình Tương Hiệp (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, xếp hạng công nhận vào tháng 8-2023).


Đình Tương Hiệp đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Kết quả này không chỉ thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Nhà nước đối với những di sản có giá trị văn hóa, lịch sử, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn là niềm vui, niềm vinh dự to lớn của các địa phương nơi có di tích được công nhận, cũng như người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng ban Quý tế đình Tương Hiệp, cho biết trong những năm qua, Ban Quý tế đình luôn cố gắng giữ gìn những giá trị vốn có của ngôi đình, duy trì những nét tín ngưỡng dân gian, những lễ cúng theo đúng phong tục của cha ông để lại. Vì thế, khi đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, không chỉ Ban Quý tế đình mà cả cộng đồng dân cư của khu vực phường Hiệp An đều thấy vinh dự, tự hào. “Chúng tôi sẽ phối hợp tốt cùng với các ban, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị về mặt kiến trúc cũng như tâm linh của di tích đình Tương Hiệp trong thời gian tới”, ông Đầy chia sẻ.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết bảo tồn di tích, văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh là công tác luôn được Bảo tàng tỉnh quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên. Ngoài tiếp tục lập hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp công nhận cho các di sản của tỉnh, trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh cũng đã tiến hành tu bổ cấp thiết hạng mục Nhà giam C thuộc di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, tu bổ di tích Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, chùa Hội Khánh; lập hồ sơ khoa học Hầm bí mật nuôi giấu cán bộ Huyện ủy Dĩ An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (phường Tân Bình, TP.Dĩ An) để đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh trong thời gian tới.


Các đại biểu tham dự lễ đón nhận DSVH phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”

Phát huy giá trị

Bảo tồn và phát huy DSVH dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa. Ông Lê Văn Phước cho biết công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cũng như Sở VH-TT&DL. Qua đó, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu lập hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh công nhận nhiều DSVH. 

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 5 DSVH phi vật thể quốc gia, 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 50 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng.


Một nghi thức tại “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được Ban Quản lý đình tái hiện lại 

Cùng với đó, để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH làng nghề thủ công truyền thống, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”. Ngành cũng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Ngành gốm sứ tỉnh Bình Dương - Quá trình phát triển và bảo tồn”, góp phần tìm hiểu, nghiên cứu, nhận diện DSVH phi vật thể một cách hệ thống, bài bản. Qua đó, ngành đã đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong tình hình mới. 

“Công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di sản, góp phần thực hiện tốt Luật DSVH trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Để có được những thành quả đó, ngành VH-TT&DL luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh. Nhiều văn bản quản lý nhà nước về quản lý DSVH được ban hành nhằm bảo đảm tính hiệu quả và lâu dài”, ông Phước nói.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Lê Văn Phước cho biết là đơn vị chuyên môn trong công tác này, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và chủ thể di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn như nghiên cứu khoa học; sưu tầm tư liệu, hiện vật; trưng bày, triển lãm; hướng dẫn tham quan, tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm phục vụ khách tham quan; quảng bá, giới thiệu giá trị DSVH trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DSVH gắn với phát triển du lịch.

Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh sẽ tham mưu xây dựng đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể đại diện nhân loại, DSVH phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH, trong đó có chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng cho nghệ nhân, người truyền dạy và thực hành di sản cũng như có cơ chế đặc thù cho hoạt động xã hội hóa.

“Nghề gốm Bình Dương - Truyền thống và bản sắc”

Đó là nội dung trưng bày chuyên đề đang diễn ra tại Bảo tàng tỉnh nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11 năm nay. Trưng bày mở cửa phục vụ khách đến tham quan từ ngày 23-11 đến hết ngày 20-12-2023. Trong đợt trưng bày này, Bảo tàng tỉnh giới thiệu gần 70 hiện vật gốm là những bộ sưu tập gốm dân dụng, gốm mỹ thuật, cùng những hình ảnh tư liệu thể hiện cảnh buôn bán gốm ở Bình Dương vào nửa đầu thế kỷ XX, các công đoạn làm gốm, lò gốm nung bằng phương pháp thủ công (đốt củi)... giúp mọi người hiểu hơn về sự hình thành và phát triển của nghề gốm trên đất Bình Dương trong thời gian qua. Trưng bày nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến mọi người những đặc trưng của nghề gốm Bình Dương, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

“Nghề gốm Bình Dương” là một trong 5 di sản văn hóa của tỉnh Bình Dương đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với sự đa dạng về chủng loại, kích thước, kiểu dáng, hoa văn… gốm Bình Dương đã tạo nên nét đặc trưng riêng trong các dòng gốm Nam bộ, được người tiêu dùng yêu thích, đánh giá cao về tính thực dụng khi sử dụng cũng như tính thẩm mỹ trong trang trí. 

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1369
Quay lên trên