Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật: 28-04-2022 | 08:07:40

Đến nay, trên địa bàn TX.Tân Uyên có 12 di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) đã được xếp hạng công nhận. Công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác giá trị của các di tích LS-VH luôn được TX.Tân Uyên chú trọng, quan tâm thực hiện và đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thị xã.

 Di tích Chiến khu Vĩnh Lợi đã được quan tâm đầu tư và trở thành nơi tham quan, tìm hiểu lịch sử của nhiều thế hệ

 Quan tâm bảo tồn các di tích

Để thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn, TX.Tân Uyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền những văn bản quy định, hướng dẫn về công tác quản lý di tích, tuyên truyền kêu gọi ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích của người dân. Hàng năm, UBND thị xã chỉ đạo các cơ quan có liên quan và UBND các xã, phường trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời các văn bản của Trung ương, của tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích LS-VH trên địa bàn thị xã; bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung của kế hoạch và công tác tôn tạo di tích trên địa bàn. Đồng thời, thị xã ban hành các văn bản liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích LS-VH trên địa bàn.

 Trên địa bàn TX.Tân Uyên hiện có 12 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là Di tích khảo cổ Cù Lao Rùa và 11 di tích cấp tỉnh. Tại mỗi xã, phường nơi có di tích được xếp hạng đều thành lập Tổ quản lý chung để trực tiếp điều hành công việc tại các di tích.

UBND thị xã cũng đã chỉ đạo các xã, phường có di tích thành lập Tổ quản lý di tích, quản lý, điều hành việc tổ chức các lễ hội, giữ gìn vệ sinh, giữ gìn tài sản, quản lý đất đai, quản lý hồ sơ, lý lịch di tích. Các địa phương có di tích được công nhận theo dõi và kịp thời đề xuất kiến nghị về UBND thị xã để có phương án trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, hư hỏng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TX.Tân Uyên, cho biết từ năm 2018-2020, UBND thị xã đã thực hiện trùng tu, tôn tạo 7 di tích LS-VH trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 13,6 tỷ đồng (năm 2021, do dịch bệnh nên không thực hiện). Để bảo vệ các di tích, công tác phun xịt mối mọt cũng được thực hiện định kỳ 3 tháng/lần. Qua đó, đã khắc phục một số hạng mục xuống cấp tại các di tích, nhưng vẫn bảo đảm giữ nguyên vẹn yếu tố gốc và phù hợp với cảnh quan, mỹ quan của di tích. “Công tác trùng tu, tôn tạo nhằm bảo vệ di tích luôn được UBND thị xã chú trọng và quan tâm đến việc thực hiện quản lý, trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích. Từ đó, các di tích được giữ gìn, bảo vệ, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan và tổ chức các hoạt động thường niên tại các di tích”, ông Phát nói.

Phát huy giá trị di tích

Không chỉ quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích, TX.Tân Uyên cũng rất chú trọng thực hiện công tác phát huy giá trị các di tích LS-VH.

Theo đánh giá của Phòng VH-TT TX.Tân Uyên, hiện nay các di tích đình, miếu trên địa bàn vẫn duy trì hình thức lễ hội truyền thống từ xưa đến nay, đó là lễ Kỳ yên. Các địa phương tổ chức lễ hội đều thành lập Ban Tổ chức có đầy đủ các cơ quan chức năng, có đăng ký, thông báo chương trình, lịch trình tổ chức lễ hội với địa phương, cơ quan chức năng. Ban Tổ chức lễ hội luôn quan tâm khôi phục những thuần phong mỹ tục, loại bỏ những tập tục lạc hậu, ngăn chặn hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan. Những hoạt động đa dạng, phong phú trên đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh; đồng thời tuyên truyền các giá trị LS-VH của di tích; kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.

Để phát huy giá trị di tích, hàng năm, Phòng VH-TT đều có kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan tại các di tích trên địa bàn. Bước đầu, công tác phối hợp đã phát huy hiệu quả, kết nối được nhiều người đến với các di tích LS-VH. Cụ thể, Phòng VH-TT đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo, Thị đoàn, các tổ chức chính trị, xã hội khác tổ chức các chuyến về nguồn, đi tìm địa chỉ đỏ, học ngoại khóa... cho đoàn viên thanh niên, hội viên, học sinh. Các di tích cũng thường được các tổ chức đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ... chọn làm địa điểm tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, lễ trưởng thành Đoàn, trao huy hiệu hay tổ chức các lễ kỷ niệm khác.

Công tác phát huy giá trị di tích còn được thực hiện thông qua việc lồng ghép tổ chức chương trình kết nối các điểm tham quan tại các di tích trên địa bàn. Trong những năm gần đây, UBND thị xã đã phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động và sự kiện tiêu biểu tại các di tích trên địa bàn, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự. Điển hình như tổ chức kết nối các điểm tham quan di tích tại lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần I, lần II; đón tiếp các đoàn trong và ngoài tỉnh tham quan. Thông qua các hội thi tìm hiểu về di tích LS-VH trên địa bàn TX.Tân Uyên, các chương trình về nguồn, các đợt triển lãm hình ảnh tại chỗ và lưu động tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thị xã… với hàng ngàn lượt đoàn viên, học sinh tham gia đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các di tích đến với đông đảo mọi người. Những hoạt động này không chỉ đưa mọi người đến gần với các di tích hơn, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích LS-VH địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, giá trị LS-VH trong thời gian tới, một trong những nội dung mà TX.Tân Uyên sẽ tập trung thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của di tích nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng, nhân dân. Cùng với đó, thị xã cũng sẽ tập trung thực hiện, đó là: Cử cán bộ, công chức, viên chức và những người trực tiếp trông coi, quản lý và tổ chức các hoạt động tại các di tích tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nhằm tham mưu kịp thời cho lãnh đạo trong công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị các di tích; khảo sát hiện trạng các di tích trên địa bàn để kịp thời tham mưu kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích hàng năm; huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình về nguồn và thực hiện lồng ghép, kết nối với các di tích, điểm tham quan, các hoạt động trong lễ hội của địa phương để đưa du khách đến với các điểm tham quan di tích trên địa bàn thị xã.

 HỒNG THUẬN - VĂN DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên