Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã tiếp tục có những hoạt động quan tâm, bảo vệ trẻ em gái. Với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay tiếp tục được các đơn vị, địa phương quan tâm, tổ chức các hoạt động ý nghĩa hướng đến trẻ em gái.
Các em học sinh nữ tại một trường THCS trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một cùng thảo luận về những vấn đề quan tâm của tuổi vị thành niên
Nhiều hoạt động hưởng ứng
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11-10 hàng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Ngày Quốc tế trẻ em gái được tổ chức mỗi năm nhằm tạo ra cơ hội được đấu tranh, vươn lên và nâng cao nhận thức cho trẻ em gái. Đồng thời, đây là lúc để cả thế giới dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Các trẻ em gái xứng đáng có quyền được hưởng những điều tốt đẹp về sức khỏe, giáo dục, an ninh cũng như các yếu tố về giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực.
Với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, trong Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và các địa phương cũng đã triển khai các hoạt động hưởng ứng. Tại tuyến tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức hoạt động treo gần 60 băng rôn tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên các trục đường chính. Bên cạnh đó, chi cục đã phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tăng cường tuyên truyền các nội dung, chủ đề về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai và con gái; tuyên truyền các văn bản của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Hoạt động truyền thông về dân số và phát triển còn được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh thông qua các loại hình truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube) theo hướng dẫn của Tổng cục DS-KHHGĐ. Tại các địa phương, cán bộ dân số và cộng tác viên cũng tăng cường tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm cho các đối tượng trẻ em gái; nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương sẽ tổ chức các sự kiện truyền thông như mít tinh, hội thảo, hội nghị, treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bác sĩ Vân cho biết hàng năm Tổng cục DS-KHHGĐ đều có hướng dẫn chủ đề, cũng như nội dung hoạt động truyền thông hưởng ứng nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái, nhưng chủ yếu tập trung vào tuyên truyền các văn bản, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, nghị định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. “Thông qua hoạt động tuyên truyền nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái”, bác sĩ Vân cho hay.
Quan tâm bảo vệ trẻ em gái
Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và các ngành liên quan đã triển khai những hoạt động góp phần bảo vệ trẻ em gái. Theo bác sĩ Vân, thông qua những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân trong tỉnh, đặc biệt là chuyển biến tích cực trong quan niệm “trọng nam - khinh nữ” hay tâm lý mong đợi phải có con trai trong nhiều gia đình. Từ đó, tỷ lệ giới tính khi sinh của tỉnh trong những năm qua vẫn nằm ở mức bình thường, với tỷ lệ 103-107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Nhằm góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 389/ QĐ-UBND ngày 16-2-2022 về phê duyệt kế hoạch tiếp tục triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022- 2025. Trong giai đoạn này, hoạt động tiếp tục triển khai đó là đưa chỉ tiêu về duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức 103-107 bé trai/100 bé gái vào tiêu chí đăng ký thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ ở các xã, phường, thị trấn để xét khen thưởng hàng năm; cùng với đó sẽ tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số các cấp. Hoạt động truyền thông đại chúng cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề về giới và giới tính; cung cấp ấn phẩm của Tổng cục DS-KHHGĐ sản xuất; phối hợp với các đơn vị truyền thông tỉnh, huyện, thị, thành phố thực hiện các chuyên mục, chuyên đề về giới tính khi sinh nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; nhân bản các sản phẩm truyền thông tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; treo băng rôn tuyên truyền…
Song song với các hoạt động trên, công tác phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng được chú trọng thực hiện. Thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời xử phạt các cơ sở kinh doanh sách báo, ấn phẩm, tài liệu có nội dung tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện trái các quy định của pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính khi sinh…
Để trẻ em gái được trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng trong xu thế phát triển hiện nay, theo bác sĩ Vân, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền mất cân bằng giới tính khi sinh cho tất cả mọi người trong xã hội để thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ, quan tâm, chăm sóc trẻ em gái của các cơ quan chức năng, của gia đình, nhà trường, xã hội. Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh.
HỒNG THUẬN