Quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật: 13-11-2021 | 09:08:12

Kỳ 1: Quan tâm công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

 LTS: Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Những kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện đề án đã góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực thi Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

 Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của ngành VH-TT&DL. Xác định tầm quan trọng của các di tích LS-VH trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng, ngành VH-TT&DL đã có nhiều giải pháp để đầu tư bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm bảo vệ

Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, trong thời gian qua, tỉnh và ngành VH-TT&DL đã rất chú trọng, quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích LS-VH. Ngày 29-12-2006, UBND tỉnh đã có Quyết định số 5979/QĐ- UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, ngành VH-TT&DL đã triển khai, phối hợp thực hiện đề án một cách hiệu quả, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2020, đình Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên đã được công nhận là di tích LS-VH cấp tỉnh

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích LS-VH, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, sở cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, như: Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý di tích; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích; tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lập thủ tục sở hữu đất đối với các di tích đã được xếp hạng, công nhận trên địa bàn tỉnh...

Ông Thái cho biết, công tác bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh luôn được đặt trên nền tảng quy hoạch tổng thể của ngành, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện đề án một cách hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt là trong công tác phân cấp quản lý nhà nước, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích trên toàn tỉnh. Tất cả các di tích LS-VH sau khi được công nhận đều được phân cấp quản lý.

Theo đó, Bảo tàng tỉnh (trước đây là Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh) quản lý các di tích cấp quốc gia; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn cho các địa phương đối với các di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích cấp tỉnh được phân cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị, thành phố quản lý. Để triển khai thực hiện đề án, các địa phương đều xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng theo giai đoạn hoặc từng năm. Việc thực hiện theo quy chế phân cấp rõ ràng, cụ thể, tạo sự đồng thuận cao và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ sự phân cấp này, các địa phương có sự chủ động hơn về quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng di tích.

Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích

Được sự quan tâm của các cấp, ngành, thời gian qua, ngành VH-TT&DL rất chú trọng đẩy mạnh công tác đầu tư tu bổ, phục hồi các di tích. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích được thực hiện từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa, nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và nguồn xã hội hóa. Việc trùng tu, tu sửa được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Hầu hết các di tích sau khi được xếp hạng đều được đầu tư bảo quản, sửa chữa kịp thời.

Thực hiện chế độ phân kỳ của đề án, hàng năm, Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch tu bổ di tích theo định kỳ và được bố trí kinh phí đầu tư công theo giai đoạn di tích quốc gia có quy mô lớn (chủ yếu là các di tích lịch sử cách mạng). Các di tích quốc gia thường xuyên được thực hiện xử lý, chống mối mọt, chống xuống cấp theo định kỳ quý, năm và sửa chữa, duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp các di tích kiến trúc nghệ thuật. Đến nay, tỉnh đã cơ bản thực hiện đầu tư tu bổ, phục hồi đối với 12/13 di tích quốc gia (còn lại di tích Cù lao Rùa dự kiến có kế hoạch đầu tư giai đoạn đến năm 2025).

Theo quy chế phân cấp, các di tích cấp tỉnh cũng được UBND các huyện, thị, thành phố quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Đến nay, có 26/27 di tích cấp tỉnh được đầu tư, tiêu biểu như di tích Căn cứ cách mạng Rừng Kiến An (huyện Dầu Tiếng), Chiến khu Vĩnh Lợi (TX.Tân Uyên), Chiến khu Thuận An Hòa (TP.Thuận An), Căn cứ cách mạng Hố Lang (TP.Dĩ An). Một số di tích nằm ngoài đề án nhưng do yêu cầu về công tác bảo tồn di tích, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho UBND cấp huyện đầu tư thực hiện việc tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích như di tích địa điểm đế quốc Mỹ rải bom B52 lần đầu tiên tại Việt Nam, Căn cứ cách mạng Vườn Trầu, Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên, Lò lu Đại Hưng, trường Trung cấp Kỹ thuật Bình Dương, chùa Hưng Long, đình Dầu Tiếng... Ngoài ra, các di tích đã được cắm mốc ranh giới khoanh vùng bảo vệ theo quy định, xây dựng bia giới thiệu di tích, hàng rào bảo vệ. Đối với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo có công trình kiến trúc nghệ thuật cũng thường xuyên được các địa phương thực hiện xử lý chống mối mọt, chống xuống cấp.

“Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, bảo đảm an toàn lâu dài cho công trình và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành những thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh và địa phương, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Thái nói. (Còn tiếp).

 Trong giai đoạn 2007-2020, toàn tỉnh có 39 di tích LS-VH được xếp hạng, bao gồm 5 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh. Tính đến nay, tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh là 62 di tích (gồm 13 di tích cấp quốc gia và 49 di tích cấp tỉnh).

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2034
Quay lên trên