Quan tâm chấn chỉnh hoạt động công chứng

Cập nhật: 26-10-2023 | 08:49:57

Liên quan đến sai phạm tại Văn phòng Công chứng (VPCC) Nguyễn Thị Gái, P.V Báo Bình Dương đã trao đổi với bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, về công tác quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm, đạo đức hành nghề của công chứng viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người yêu cầu công chứng trong thời gian tới…

Sai phạm khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản

Bà Nguyễn Anh Hoa cho biết: Vụ việc liên quan đến công chứng viên Hồ Văn Ngọc (là công chứng viên của VPCC Nguyễn Thị Gái), trước đó, khi có thông tin của người dân và báo chí phản ánh, Sở Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo tiến hành thanh tra đối với VPCC này.


Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đọc lệnh bắt công chứng viên Hồ Văn Ngọc. Ảnh: CABD

Qua hồ sơ do văn phòng cung cấp thể hiện: Ngày 23- 8-2022, công chứng viên Hồ Văn Ngọc có thực hiện chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Công chứng viên chưa kiểm tra kỹ hồ sơ, kiểm tra thông tin về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất trên cơ sở dữ liệu công chứng, dẫn đến việc quyền sử dụng đất đã được giao dịch chuyển nhượng tại VPCC Bàu Bàng mà công chứng viên vẫn tiếp tục thực hiện công chứng chuyển nhượng cho người khác là trái với quy định tại Điều 41 Luật Công chứng và Điều 14 quy chế khai thác, sử dụng và quản lý cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo Quyết định số 29/2019/ QĐ-UBND ngày 3-12-2019 của UBND tỉnh Bình Dương.

Căn cứ Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan, sở đã có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương để xem xét, giải quyết.

Ngày 23-10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thực hiện khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với công chứng viên Hồ Văn Ngọc (SN 1962, ngụ TP.Tân Uyên) để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, ngày 11-10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Gái về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 23-10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành bắt bị can để tạm giam đối với ông Hồ Văn Ngọc, tiến hành khám xét nơi làm việc, nơi ở của bị can này và bà Nguyễn Thị Gái để thu thập các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong năm 2022, qua thanh tra, kiểm tra, Sở Tư pháp đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1 văn phòng công chứng và 2 công chứng viên với số tiền nộp phạt là 29 triệu đồng. Trong năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 6 văn phòng công chứng và 9 công chứng viên với số tiền nộp phạt là 154 triệu đồng, tiền khắc phục hậu quả hơn 401 triệu đồng và tước thẻ 6,5 tháng đối với 1 công chứng viên.

Tăng cường giải pháp để kịp thời chấn chỉnh

Theo bà Nguyễn Anh Hoa, trong năm 2022, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1159/ QĐ-UBND ngày 16-5-2022 ban hành đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua và thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật về công chứng.

Ngày 24-10-2022, Sở Tư pháp tiếp tục ban hành Công văn số 1984/STP-BTTP để triển khai đề án đến các sở ngành, UBND cấp huyện và Hội Công chứng viên tỉnh; ban hành Công văn số 56/ STP-BTTP ngày 10-1-2023 về việc chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng. Tích cực, chủ động xây dựng, ký kết một số quy chế phối hợp với các cơ quan có liên quan; tổ chức giao ban định kỳ với các tổ chức hành nghề công chứng. Chủ động tổ chức tọa đàm, họp trao đổi một số nội dung về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các sở, ngành, đơn vị, phòng tư pháp 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã và đang tăng cường thanh tra, kiểm tra về hoạt động công chứng. Trong năm 2022 và năm 2023 đã tiến hành 5 cuộc thanh tra, 2 cuộc kiểm tra về lĩnh vực công chứng. Sở Tư pháp tiếp tục đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh phát huy vai trò tự quản, tăng cường công tác giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. “Sở Tư pháp mong tiếp tục nhận được thông tin, phản ánh, góp ý xây dựng của tổ chức, cá nhân, đơn vị về các lĩnh vực thuộc chức năng, thẩm quyền của Sở Tư pháp để sở hoàn thành tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp”, bà Nguyễn Anh Hoa cho biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 39 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 2 phòng công chứng và 37 văn phòng công chứng với 102 công chứng viên. Chức năng của công chứng là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. Công chứng viên có quyền được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật Công chứng và chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ- CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2714
Quay lên trên