Quan tâm đề phòng “bà Hỏa”

Cập nhật: 23-01-2010 | 00:00:00

Cuối năm ai cũng bận rộn vì công việc, nên công tác kiểm tra, theo dõi có phần vơi đi, đó là tâm lý thường tình có thể thấy được. Nhưng một nguyên nhân sâu xa có thể dẫn đến sự cố hỏa hoạn, đó là việc tăng công suất làm việc của các phương tiện, máy móc gây phát sinh nhiệt, chập điện. Nên dù có bận rộn thế nào thì vấn đề kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải được đặt lên hàng đầu, vì ông bà xưa đã ví “bị trộm viếng nhà thì còn đồ mặc, nhưng “bà Hỏa” viếng nhà thì không còn chén đũa ăn cơm”!

Lực lượng Cảnh sát PCCC tập trung cứu chữa vụ cháy mới xảy ra tại Công ty Sao Nam

Giải mã những đám cháy

Sau một thời gian dài thường theo chân các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC vừa tuyên truyền huấn luyện vừa trực tiếp chiến đấu với “bà Hỏa”, chúng tôi đã thử lập bảng so sánh thì thấy nổi bật các vụ cháy nhà máy sản xuất thường xảy ra vào gần cuối giờ hoặc giờ nghỉ trưa, sau khi tan ca chừng vài tiếng đồng hồ... Còn nhà dân thường cháy sau khi đi ngủ hoặc do bất cẩn thì có thể xảy cháy bất cứ lúc nào. Nên câu chuyện dán bảng “Tắt đèn, quạt, máy lạnh... trước khi rời khỏi phòng” tại các cơ quan, doanh nghiệp là sự thể hiện ý thức PCCC cao của người đứng đầu. Việc nhắc nhở này không chỉ mang tính tiết kiệm, bảo vệ tài sản chung mà còn đề phòng có hiệu quả tai nạn cháy nổ khi mọi người đã rời nơi làm việc do phương tiện hoạt động liên tục, quá tải, phát sinh nhiệt, chập điện... Vì 3 yếu tố quan trọng tạo nên đám cháy là không khí, nguồn nhiệt và chất cháy. Nên kinh nghiệm phòng cháy hữu hiệu là đừng để 3 “anh” nói trên có điều kiện gặp nhau.

Xảy ra cháy lớn, số lượng cao thường tập trung vào các ngành như chế biến gỗ, da giày, sản xuất sơn, hóa chất... vì bản thân nguyên liệu sản xuất đã dễ cháy, cộng thêm các loại keo, hóa chất sử dụng để sản xuất là những “mồi” dẫn lửa rất nhạy lại có sức cháy mạnh. Ý thức được điều này, nhiều doanh nhgiệp đã đầu tư trang thiết bị PCCC, thường xuyên huấn luyện, giáo dục ý thức PCCC trong quá trình sản xuất, như không được hút thuốc, không được mang vật liệu cháy nổ (hộp quẹt, chất dễ cháy, vũ khí...) vào nơi làm việc. Nhưng mấy năm trước đã xảy ra vụ cháy gây “thất hồn bạt vía” nhiều người là vụ cháy Công ty chế biến gỗ K.H tại xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An và mới hôm trước (21-1) là vụ cháy nhà xưởng tại Công ty Sao Nam tại khu phố 3, phường Định Hòa, TX.TDM. Vụ cháy Công ty chế biến gỗ K.H xảy ra vào khoảng 20 giờ đêm, tức sau khi công nhân rời nhà máy chừng 30 phút sau khi tăng ca, khu vực xảy cháy là chỗ chứa mạt cưa nằm ngoài bộ phận nhà xưởng. Tương tự, vụ cháy tại Công ty Sao Nam cũng xảy ra vào khoảng 12 giờ trưa, tức lúc công nhân đang nghỉ trưa, khu vực xảy cháy cũng là nơi chứa và hủy mạt cưa!

Về nguyên nhân gây cháy tại Công ty K.H được xác định là do trong dăm bào, mạt cưa có lẫn ốc vít, kim loại, chất rắn như đá, sỏi... khi bị hút vào bồ hút các vật rắn va chạm với thành ống và phát sinh nhiệt ngấm vào dăm bào, mạt cưa ngún dần và phát cháy. Còn nguyên nhân gây cháy tại Công ty Sao Nam mới đây hiện đang được ngành chức năng điều tra. Tuy nhiên, có thể thấy rằng khu vực xảy cháy tại Công ty Sao Nam rất giống với khu vực xảy cháy ở Công ty K.H nên không loại trừ máy hủy mạt cưa sinh nhiệt và ngún vào mạt cưa rồi phát cháy vào thời điểm công nhân nghỉ trưa nên không ai phát hiện.

Số vụ cháy giảm nhưng thiệt hại tăng

Trong số 46 vụ cháy của năm 2009, tổng mức thiệt hại 84,7 tỷ đồng, thì chỉ riêng vụ cháy nhà kho Công ty NewToyo (KCN VSIP) vào cuối tháng 2-2009 đã có tổng mức thiệt hại trên 59,8 tỷ đồng. Bước sang đầu năm 2010, tuy mới xảy ra 1 vụ cháy tại Công ty Sao Nam vào trưa 21-1, nhưng mức thiệt hại ban đầu ước tính lên tới 28 tỷ đồng!

Năm 2009 toàn tỉnh Bình Dương không xảy ra vụ nổ nào, số vụ cháy giảm, số người chết cũng giảm, nhưng thiệt hại lại tăng. Cụ thể trong năm đã xảy ra 46 vụ cháy, giảm 1 vụ; không có người chết do cháy, có 4 người bị thương, giảm 2 người chết và 3 người bị thương so với năm 2008. Tổng tài sản thiệt hại do cháy là trên 84 tỷ đồng, tăng trên 36 tỷ đồng so với năm trước. Tổng tài sản cứu được từ các đám cháy là gần 440 tỷ đồng. Địa bàn nông thôn có tỷ lệ cháy cao với 37 vụ, thành thị 9 vụ. Hầu hết các vụ cháy đều tập trung tại những nơi tập trung nhiều tài sản, hàng hóa như nhà máy, trụ sở công ty. Về nguyên nhân cũng được phân loại. Trong đó sự cố kỹ thuật 4 vụ; sự cố về điện 23 vụ; bất cẩn 10 vụ; sét đánh 2 vụ và chưa rõ nguyên nhân 7 vụ.

Lý giải và đưa ra cảnh báo về vấn đề này, Thượng tá Lê Anh Việt, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh, nhấn mạnh: “Năm 2009 tuy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng của Bình Dương vẫn được duy trì nên việc tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất vẫn được đẩy mạnh. Tại các KCN, nhà máy, xí nghiệp là nơi tập trung nhiều hàng hóa, của cải, tài sản, thiết bị công nghệ... và là nơi dễ xảy ra cháy nổ. Do vậy các doanh nghiệp hãy hết sức chú ý đề phòng, vì nếu để xảy ra sự cố cháy, nổ tại những nơi này thì thiệt hại sẽ rất lớn”.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên