Quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 23-11-2022 | 08:01:00

So với nhiều tỉnh, thành khác, mặc dù số lượng di sản văn hóa (DSVH) của Bình Dương không nhiều, nhưng với các DSVH đã được công nhận, Bình Dương cũng có những đóng góp quan trọng vào kho tàng DSVH dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH là nhiệm vụ, luôn được tỉnh, ngành văn hóa tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện.

Giữ gìn di sản văn hóa

Hiện nay, DSVH đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Bình Dương đã đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc nhiều DSVH độc đáo, giá trị. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát huy DSVH luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, ngành văn hóa và đã mang lại những thành quả.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH với 2 loại hình DSVH vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh luôn được ngành văn hóa hết sức quan tâm. Ngành đã giao nhiệm vụ cho Bảo tàng tỉnh trực tiếp tham mưu, thực hiện công tác này. Tính đến thời điểm này, Bình Dương đã có 4 DSVH phi vật thể, gồm: Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm Bình Dương, võ lâm Tân Khánh Bà Trà và lễ hội Kỳ Yên đình Tân An; cùng 3 bảo vật quốc gia là: Tượng động vật Dốc Chùa, mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh, bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh. Những DSVH này là tài sản vô giá của dân tộc, đồng thời thể hiện giá trị đặc trưng về văn hóa, lịch sử của Bình Dương.

Ông Nguyễn Lộc Hà (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận Danh mục DSVH quốc gia “Lễ hội kỳ yên đình Tân An” cho lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một, phường Tân An và Ban quý tế đình Tân An

Đặc biệt, Bình Dương còn là 1 trong 21 tỉnh, thành ở khu vực Nam bộ có DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử. Hiện nay, Bình Dương cũng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia đối với “Lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An” ở phường Dĩ An, TP.Dĩ An.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 65 di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) đã được công nhận, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 52 di tích cấp tỉnh. Đây là những “địa chỉ” chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Bảo tồn, phát huy giá trị

Thực hiện công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh và ngành VH,TT&DL đã rất chú trọng, quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích LS-VH. Năm 2006, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

Lễ rước sắc thần trong dịp lễ công bố danh mục DSVH quốc gia “Lễ hội Kỳ Yên đình Tân An”

Theo ông Lê Văn Phước, Sở VH,TT&DL đã giao cho bảo tàng tỉnh xây dựng báo cáo tổng kết đề án này; đồng thời tham mưu xây dựng đề án giai đoạn tiếp theo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bảo tàng tỉnh đã tham mưu sở xin chủ trương phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng đề án này. Để bảo đảm chất lượng của đề án, sở đã chỉ đạo bảo tàng chuyển sang thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở về bảo tồn và phát huy giá trị di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp 4.0. Theo kế hoạch dự kiến, đến tháng 6-2023 tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng đề tài khoa học này.

Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người Bình Dương, qua đó khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Sau thời gian tạm đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh bắt đầu đón khách trở lại tham quan khi dịch bệnh được kiểm soát. Các di tích nói chung, đặc biệt là các di tích quốc gia, như: Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ… đã đón một lượng khách khá lớn, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trong tỉnh và khu vực Đông Nam bộ đến tham quan, học tập.

“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu để có thêm nhiều di tích, DSVH của tỉnh được xếp hạng công nhận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, DSVH trên đất Bình Dương. Điều mà bảo tàng quan tâm đó là sau khi được công nhận rồi, việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH sẽ thực hiện như thế nào? Dù khó khăn nhưng Bảo tàng tỉnh sẽ cố gắng tham mưu để có những kế hoạch, đề án phát huy giá trị DSVH từ vật thể đến phi vật thể với mục tiêu tất cả các di tích, DSVH của tỉnh đều phải được giữ gìn, được bảo tồn một cách lâu dài và theo đúng Luật Di sản quy định”, ông Lê Văn Phước chia sẻ thêm. 

Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh đã phục vụ hơn 45.000 lượt khách tham quan. Trong đó, hơn 34.500 lượt khách tham quan tại các di tích quốc gia và 10.500 lượt khách xem trưng bày chuyên đề.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên