Quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người dân

Cập nhật: 28-02-2023 | 08:00:01

Thành phố Hà Nội đang trong đợt cao điểm lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại các hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời tập trung thảo luận đóng góp sâu về các điều, khoản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân khi được thuê đất hay thu hồi, trưng dụng đất.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân thuộc dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Theo TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội: Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2013 và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014 đã đánh dấu một mốc rất quan trọng trong việc quy định về chế độ sở hữu đất đai của toàn dân và chế độ quản lý, nghĩa vụ, quyền, lợi ích của người dân. Tuy nhiên, sau hơn chín năm tổ chức triển khai, dù công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, song do các mối quan hệ kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất nên Luật Đất đai đã bộc lộ một số hạn chế. Chính vì vậy Luật Đất đai cần nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thời kỳ mới của đất nước và bối cảnh quốc tế.

Liên quan đến nội dung thu hồi đất, trưng dụng đất, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cho rằng Dự thảo đã quy định khá chi tiết những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền thu hồi đất, quy trình thu hồi đất và trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, còn một số quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện. Cần thống nhất quan điểm Nhà nước sẽ chỉ chịu trách nhiệm thu hồi đất và bồi thường đối với các dự án thật sự quan trọng và vì lợi ích quốc gia, công cộng, khi đó mức bồi thường sẽ được áp dụng mức giá đất theo quy định của bảng giá đất do địa phương ban hành hằng năm…

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, thu hồi đất là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân, phát sinh nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất, qua đó giúp địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai về nội dung thu hồi đất đã có nhiều đổi mới, bám sát định hướng đã xác định, nhưng còn một số nội dung cần lưu ý. Cụ thể, đối với thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, cần quy định rõ với dự án khu đô thị, bao gồm cả xây dựng nhà ở thương mại, chỉnh trang đô thị.

Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên góp ý: Tại khoản 2 điều 89 dự thảo Luật quy định nguyên tắc về bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ, thông qua quy định trước khi thu hồi phải xây dựng khu tái định cư. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư, cũng chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất hoặc nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế. Bên cạnh đó cũng cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng "ở tạm thành ở thật".

Về chính sách cho thuê đất nông nghiệp, anh Trần Văn Thắng, chủ trang trại nuôi bò công nghệ cao ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng đề xuất, khi đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân phải bỏ ra rất nhiều vốn, công sức và thời gian. Chính vì vậy, thành phố nên có chính sách thuê đất nông nghiệp dài hạn từ 5 năm trở lên để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Cần quan tâm đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất bởi nhiều chị em phụ nữ của Thủ đô cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng đối với hộ gia đình vẫn còn phổ biến. Hiện, không ít chị em muốn khởi nghiệp, mang sổ đỏ đi thế chấp nhưng không được chấp nhận, do trên giấy tờ chỉ ghi tên chồng, trong khi đó là tài sản chung. Do đó, nhiều chị em yêu cầu việc ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyền đương nhiên, chứ không cần xuất phát từ "nếu có yêu cầu" như quy định hiện hành. Bởi giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng sẽ bảo đảm quyền của phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội.

Theo Kế hoạch 40/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023; các hội nghị đóng góp ý kiến cấp thành phố sẽ hoàn thành trước ngày 10/4/2023. Người dân có thể tham gia góp ý thông qua hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các phương tiện thông tin đại chúng…

Theo NDO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên