Quan tâm sức khỏe, bệnh nghề nghiệp người lao động

Cập nhật: 09-06-2023 | 08:45:05

Người lao động (NLĐ) là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, vị thế của NLĐ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe và bệnh nghề nghiệp (BNN) của NLĐ.

 Doanh nghiệp cần quan tâm đến sức khỏe, BNN cho NLĐ

Chưa được quan tâm đúng mức

Phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), BNN có ý nghĩa rất quan trọng trong các quy định của pháp luật về TNLĐ, BNN. Nguyên nhân là khi thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa thì rủi ro, hậu quả TNLĐ, BNN mà NLĐ gặp phải sẽ giảm đi đáng kể. Việc phòng ngừa TNLĐ, BNN là một công việc chung cần sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các bên trong quan hệ lao động. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi chủ thể nhằm hỗ trợ Nhà nước bảo đảm chức năng quản lý, người sử dụng lao động bảo đảm môi trường làm việc tại cơ sở và giúp xã hội phát triển ổn định, bền vững.

Trong quá trình làm việc, NLĐ thường xuyên tiếp xúc với máy móc, thiết bị hoặc môi trường làm việc có tiếng ồn, khói, bụi... Do vậy, họ phải đối diện với nguy cơ cao về TNLĐ, BNN nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn và biện pháp phòng hộ. Thực tế cho thấy, công tác quản lý vệ sinh lao động (ATVSLĐ), quản lý sức khỏe NLĐ và BNN trong các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn.

Theo quy định của Luật ATVSLĐ và Thông tư số 19/2016/TT-BYT (hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe NLĐ và BNN) của Bộ Y tế, hàng năm doanh nghiệp phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Việc quan trắc môi trường lao động rất quan trọng. Bởi từ kết quả các mẫu đo cụ thể, tùy vào lĩnh vực sản xuất, đơn vị đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh BNN. Từ đó, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho lao động để sớm sàng lọc, phát hiện, giúp NLĐ điều trị bệnh lý kịp thời. Cũng qua quan trắc môi trường lao động, người sử dụng lao động có giải pháp đầu tư trang thiết bị cải thiện môi trường làm việc hài hòa.

Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe NLĐ và BNN, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát. Công nhân làm việc tại các phân xưởng cần ý thức cao và chủ động thực hiện các biện pháp ATVSLĐ đã được khuyến cáo. Đó là sử dụng đúng và đầy đủ quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, mũ, kính; thực hành đúng quy trình ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa mắc BNN.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thời gian qua, công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác tuyên truyền về ATVSLĐ được chú trọng, nâng cao và gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Hầu hết hoạt động tuyên truyền gắn với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Có thể kể đến các phong trào, các cuộc vận động, như: Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động; bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc… được tổ chức thành công, nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, hiệu quả của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

Cùng với tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp được chú trọng và đẩy mạnh. Qua việc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Qua đó, các đơn vị chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sai sót đối với người sử dụng lao động.

Đặc biệt, trong những năm qua, các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện các văn bản pháp quy kỹ thuật. Hoạt động này nhằm quản lý an toàn các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và tập trung rà soát các quy phạm an toàn lao động, quy trình kiểm định và các văn bản pháp quy kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung, chuyển đổi và xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động theo quy định hiện hành.

 Các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp quan tâm, chủ động áp dụng biện pháp cải thiện môi trường làm việc, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, có đầy đủ bảng hướng dẫn, biển cảnh báo, nhắc nhở NLĐ chấp hành quy định về khám sức khỏe định kỳ và khám BNN. Cùng đó, các đơn vị đa dạng hình thức truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp qua nền tảng mạng xã hội, tài liệu nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về tầm quan trọng của việc thực hiện quy trình sản xuất an toàn. Các cơ quan, đơn vị tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm, cố tình vi phạm, có hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe NLĐ.  

 HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=627
Quay lên trên