Quan tâm tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Cập nhật: 03-09-2013 | 00:00:00

 Có mặt tại lớp Điện công nghiệp dành cho BĐXN ở trường Trung cấp Nghề số 22 chúng tôi thấy không khí lớp học khá sôi động; trong bộ quân phục, các học viên học tập khá chăm chỉ. Thầy Trần Văn Thành, quản lý lớp cho biết, đây là lớp học trình độ sơ cấp. Vì muốn các em ra trường tìm được việc làm phù hợp nên lớp học không chạy đua theo thời gian mà làm theo kết quả những gì các em đã học được. Vì vậy lớp học rất nghiêm túc, duy trì sỉ số thấp, thầy - trò thường xuyên trao đổi, học hỏi lẫn nhau.    Lớp Điện công nghiệp khóa 8 của bộ đội xuất ngũ ở trường Trung cấp Nghề số 22

Lớp học nghiêm túc không chỉ bởi đó là trường quân đội, mà chính các học viên-những BĐXN ý thức được việc họ cần một cái nghề để con đường mưu sinh đỡ vất vả hơn. Bạn Nguyễn Công Quyền, quê ở Trà Vinh chia sẻ: “Em vừa xuất ngũ được gần 1 tháng. Trước đây ở quê, em ở nhà phụ ba mẹ nuôi tôm, cá… nhưng em thấy cuộc sống khá bấp bênh, chăn nuôi nay được mai thất. Vì vậy, em muốn mình có được một cái nghề, xin được việc làm ổn định lo cho tương lai sau này”. Còn bạn Nguyễn Văn Thương, đến từ Tiền Giang cho biết, nhà bạn chuyên nghề trồng thanh long, anh em đông, đất lại ít, vì vậy Thương muốn học nghề sau này trở về quê xin việc làm để ổn định cuộc sống của bản thân và phụ giúp thêm cho gia đình.

Đại tá Hoàng Thọ Luật, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mục tiêu của nhà trường là đầu tư vào những ngành nghề mà xã hội cần để học viên ra trường dễ có việc làm. Trong đó nhà trường tập trung ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên là BĐXN theo tinh thần Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường đã đầu tư, nâng cấp nhiều công trình trị giá hàng chục tỷ đồng. Trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được đầu tư, đáp ứng cho việc đào tạo theo 2 cấp trình độ là trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Đội ngũ giáo viên được củng cố phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Những ngành nghề mà trường tập trung đào tạo là công nghệ ô tô, hàn, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại… Sau 4 năm hoạt động, trường đã đào tạo cho hơn 8.500 bộ đội xuất ngũ với nhiều ngành nghề khác nhau, thuộc 2 hệ sơ cấp và trung cấp.

Không chỉ chăm lo đào tạo nghề, nhà trường còn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho BĐXN sau khi ra trường. Theo Đại tá Luật, qua nghiên cứu thị trường lao động, bộ phận tư vấn hướng nghiệp của trường đã xác định những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cao, đề ra chỉ tiêu tuyển sinh cho từng khóa đào tạo, thông qua đó đặt vấn đề giải quyết đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp. Trung bình mỗi khóa học, trường đã giới thiệu việc làm cho 30 - 40% số học viên là BĐXN với mức lương trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng và 20 - 30% học viên tự tạo việc làm cho mình.

Đại tá Võ Trọng Hệ, Tư lệnh Quân đoàn 4 cho biết: Hàng năm, các đơn vị của quân đoàn có nhiều quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiều người trong số đó chưa biết học nghề gì và làm gì sau khi ra quân. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực phục vụ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn quân đoàn đóng quân rất lớn, đặc biệt tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Thực hiện Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ BĐXN học nghề, hàng năm, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với trường Trung cấp Nghề số 22 - Bộ Quốc phòng thuộc Quân đoàn 4 làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho bộ đội sau khi đào tạo nghề. Điểm thuận lợi cho BĐXN tham gia học nghề là các học viên là BĐXN được miễn giảm 100% học phí, chỗ ở, được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí và tiền ăn mỗi tháng. Sau khi ra trường còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho BĐXN, thời gian qua, trường Trung cấp Nghề số 22 đã giúp nhiều BĐXN có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống; đồng thời góp phần tích cực giải quyết vấn đề thiếu lao động có tay nghề như hiện nay.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên