Cứu nạn cứu hộ (CNCH) là một công việc nguy hiểm nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khi nhận được tin báo cần sự giúp đỡ, ngay lập tức cán bộ chiến sĩ (CBCS) làm công tác CNCH phải triển khai lực lượng, phương tiện chuyên dụng để lên đường làm nhiệm vụ. Mỗi ngày họ luôn trong tâm thế sẵn sàng, tất cả vì sự bình yên của người dân.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sơ cấp cứu nạn nhân nhảy cầu Phú Cường vào ngày 16-8
Một ngày đầu tháng giêng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) nhận tin báo có vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) tại Cơ sở nước đá Hoàng Anh thuộc khu phố 5, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, ngay lập tức lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai đến hiện trường để xử lý.
Qua nắm bắt thông tin ban đầu được biết cở sở nước đá trong quá trình xả áp để cân bằng áp suất giữa 2 bồn chứa khí bị nứt đường ống nối làm rò khí NH3 ra ngoài môi trường. Nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nên công tác xử lý khí NH3 nhanh chóng được thực hiện. Người lao động tại cơ sở đã thoát ra bên ngoài an toàn.
Mới đây nhất, vào lúc 22 giờ 15 phút ngày 16-8-2022, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận tin báo có một thanh niên nhảy cầu Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một). Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng PC07 và Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.Thủ Dầu Một đã huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường. Mặc dù trời tối, dòng nước chảy xiết nhưng cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường đã khắc phục khó khăn để tìm kiếm nạn nhân. Đến khoảng 23 giờ 3 phút cùng ngày, các anh đã vớt thành công nạn nhân đưa lên bờ và nhanh chóng sơ cấp cứu. Nạn nhân sau khi được cứu sống đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để tiếp tục cứu chữa. Nạn nhân sau đó đã ổn định tinh thần và xuất viện vào sáng hôm sau. “Giây phút tiếp cận và biết nạn nhân vẫn còn sống, tôi và đồng đội cảm thấy rất vui. Chúng tôi nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ để kịp thời sơ cấp cứu. Trong 7 ngày gần đây, tôi và đồng đội đã tham gia cứu nạn 3 vụ nhảy sông. Trong những lần tham gia CNCH cũng có lúc CBCS bị ngạt khí, khó thở nhưng chúng tôi vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, hạ sĩ Trương Thanh Tùng, Đội Công tác PCCC&CNCH, Phòng PC07 chia sẻ.
Từ năm 2020-2022, tổng số vụ việc mà lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tham gia cứu hộ là 42 vụ. Trong đó lực lượng đã tham gia trục vớt 37 thi thể, cứu sống 5 người, xử lý thành công 2 vụ rò rỉ khí amoniac (NH3). |
Hơn 10 năm gắn bó với công tác PCCC&CNCH, Thượng úy Trần Đình Anh, hiện đang công tác tại Phòng PC07 Công an tỉnh đã cùng đồng đội tham gia cứu chữa nhiều vụ cháy, nổ, giải cứu tính mạng, tài sản của nhân dân khỏi “giặc lửa”. Chia sẻ về công việc của mình, Trần Đình Anh cho biết: “Mỗi vụ cháy, mỗi vụ tai nạn là một “cuộc chiến” với diễn biến hoàn toàn khác nhau, có thể đánh đổi cả tính mạng. Nó thách thức sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của người chiến sĩ PCCC&CNCH. Dù ở tình huống nào, bản thân tôi và đồng đội vẫn luôn phải chạy đua với thời gian, bằng mọi cách để cứu người, cứu tài sản. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần hiểm nguy. Chỉ cần sơ suất một chút, cán bộ, chiến sĩ tham gia PCCC&CNCH có thể là nạn nhân trong chính tình huống mà mình đối mặt. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân cũng như bản thân khi thực hiện nhiệm vụ”.
TÂM TRANG