Quốc đảo Thái Bình Dương và cuộc cạnh tranh nước lớn

Cập nhật: 11-06-2022 | 07:27:16

Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến các quốc đảo Thái Bình Dương và vai trò, vị trí địa chính trị - quân sự của các quốc đảo này. Còn trên thực tế, từ tháng 2-2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã chính thức công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đề xuất muốn tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tháng 3-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bổ nhiệm Joseph Yun, cựu đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, làm đặc phái viên của tổng thống phụ trách đàm phán với 3 quốc đảo Thái Bình Dương (hay còn gọi là Các quốc gia liên kết tự do) là Cộng hòa Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau về việc gia hạn Hiệp định liên kết tự do.


Căn cứ thử tên lửa đạn đạo Ronald Reagan của Mỹ trên đảo san hô Kwajalein thuộc Quần đảo Marshall.

Vị trí địa lý của các đảo quốc Thái Bình Dương mang lại cho những nước này giá trị quân sự rất cao. Hàng chục nghìn hòn đảo nằm rải rác, thuộc 3 khu vực quần đảo lớn là Melanesia, Micronesia và Polynesia. Mặc dù tổng diện tích đất liền chỉ hơn 500 nghìn km2 nhưng diện tích biển lại là hơn 30 triệu km2. Nhiều đảo và đá ngầm có thể xây dựng sân bay và các khu cảng nước sâu, hỗ trợ và đảm bảo cho các hoạt động quân sự hải quân, không quân hiện đại có tính tập trung, trở thành địa điểm lý tưởng để xây dựng căn cứ hải quân và triển khai trang thiết bị quân sự.

Theo truyền thống, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này tập trung vào khu vực quần đảo Micronesia. Các quốc gia liên kết tự do nêu trên, đảo Guam, quần đảo Bắc Mariana đều nằm ở khu vực này. Các quần đảo này nằm ở phía Nam của “chuỗi đảo thứ hai”, kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc được Mỹ coi là vị trí dự phòng cho “chuỗi đảo thứ nhất” và là nơi tập kết tiềm năng để ứng phó với tình huống quân sự bất ngờ tại châu Á. Các quốc gia liên kết tự do như Cộng hòa Quần đảo Marshall nằm ở khu vực trung tâm của Thái Bình Dương, có thể kết nối quần đảo Hawaii - “trung tâm chỉ huy” và đảo Guam - trận địa tác chiến tiền duyên của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không những có thể cung cấp vùng đệm chiến lược cho căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam, mà còn có thể đóng vai trò như một “đường cao tốc” để Mỹ đưa lực lượng vào châu Á.

Trong Thế chiến 2, Cộng hòa Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau đều bị Nhật Bản chiếm đóng. Sau chiến tranh, Mỹ tiếp quản những nước này. Trong những năm 80-90, các nước này lần lượt giành độc lập và ký kết Hiệp ước liên kết tự do với Mỹ (trong đó có Hiệp ước liên kết tự do với Liên bang Micronesia sẽ hết hiệu lực vào năm 2023). Theo hiệp ước, 3 nước trở thành Các quốc gia liên kết tự do của Mỹ, không duy trì quân đội của mình và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia của các nước này. Mỹ viện trợ kinh tế và được hưởng quyền phủ quyết quốc phòng và quyền từ chối chiến lược trong quản trị chủ quyền của các nước này. Theo quyền phủ quyết quốc phòng, nếu chính sách của chính phủ Các quốc gia liên kết tự do trái với nghĩa vụ bảo vệ của Mỹ, Mỹ có thể ngăn cản việc thực hiện. Năm 2001, Mỹ từng viện dẫn các điều khoản của Hiệp ước liên kết tự do để phủ quyết quyết định của Quần đảo Marshall cho phép 3 tàu huấn luyện hải quân của Đài Loan, Trung Quốc ghé thăm quần đảo này. Quyền từ chối chiến lược là Mỹ, quốc gia duy nhất không những có thể thiết lập và sử dụng các cơ sở quân sự tại Các quốc gia liên kết tự do, mà còn có quyền từ chối nước thứ ba thực hiện các hoạt động quân sự ở đây.

Từ lâu, Mỹ đã sử dụng những đặc quyền này để xây dựng Các quốc gia liên kết tự do thành các tài sản quân sự quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai tiền duyên và an ninh quốc phòng của mình. Quân đội Mỹ đã xây dựng bãi thử tên lửa đạn đạo Ronald Reagan trên đảo san hô Kwajalein thuộc Quần đảo Marshall, là nơi để Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, tiến hành thử nghiệm vũ khí như tên lửa liên lục địa, tên lửa siêu thanh, cũng như là căn cứ chiến lược quan trọng nhằm triển khai hoạt động giám sát không gian. Kể từ khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, khôi phục nghiên cứu phát triển tên lửa tầm trung, Cộng hòa Palau luôn được Mỹ coi là địa điểm lý tưởng để triển khai tên lửa tầm trung trên mặt đất.

Trong quy hoạch Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden, Australia, New Zealand và Nhật Bản là những trợ thủ quan trọng để Mỹ xây dựng mạng lưới đồng minh ở Thái Bình Dương. Những năm gần đây, Australia, New Zealand và Nhật Bản tích cực thực hiện các hoạt động ngoại giao với các quốc đảo Thái Bình Dương. Cuối năm 2018, Thủ tướng Australia Scott Morrison đề xuất kế hoạch “Nâng cấp quan hệ Thái Bình Dương”, cho biết sẽ nâng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương lên một tầm cao mới, trong đó  hợp tác an ninh là nội dung quan trọng của kế hoạch này. Bộ Quốc phòng Australia tuyên bố đầu tư 146 triệu kina - đồng Papua New Guinea - tương đương khoảng 41 triệu USD, để nâng cấp căn cứ hải quân Lomburm trên đảo Manus, đồng thời cung cấp tàu tuần tra cho 12 quốc đảo Thái Bình Dương thông qua Kế hoạch an ninh hàng hải Thái Bình Dương.

New Zealand thì đưa ra chính sách “Tái thiết lập quan hệ Thái Bình Dương” vào tháng 3-2018, dự định trong vòng 4 năm sẽ cung cấp hơn 700 triệu USD viện trợ phát triển với các quốc đảo Thái Bình Dương. Còn kể từ năm 1997, cứ 3 năm một lần, Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương. Tháng 12-2021, Nhật tuyên bố mở đại sứ quán tại Cộng hòa Kiribati và lãnh sự quán tại Quần đảo New Caledonia thuộc Pháp.

Các chính sách ngoại giao của Australia, New Zealand và Nhật Bản với các quốc đảo Thái Bình Dương không phải thực hiện độc lập, mà được phối hợp chặt chẽ với ý tưởng chiến lược của Mỹ đối với khu vực này. Gần đây, sự liên kết giữa Mỹ và Australia nhằm ngăn chặn sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát Trung Quốc và Quần đảo Solomon là một ví dụ. Hợp tác ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, viện trợ nhân đạo, quản lý đánh bắt cá bất hợp pháp đều là những lĩnh vực được các bên quan tâm và đều là cơ hội để các nước lớn có thể công khai tác động cũng như can thiệp quân sự vào những khu vực trọng yếu như Các quốc gia liên kết tự do đang nắm giữ.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1744
Quay lên trên