Quốc hội biểu quyết thông qua 5 dự án Luật

Cập nhật: 23-11-2009 | 00:00:00

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông.

Sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành 5 dự án Luật, gồm Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dân quân tự vệ.

Công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người cao tuổi về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để đảm bảo tính khả thi và tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về người cao tuổi là công dân Việt Nam là phù hợp.

Về việc xác định độ tuổi người cao tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng theo quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi mà còn phụ thuộc vào một số tiêu chí khác như ngành, nghề, điều kiện làm việc, sức khỏe... ví dụ như một số nhóm liên quan đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ hưu sớm hơn.

Do vậy không thể đồng nhất tuổi nghỉ hưu với tuổi xác định người cao tuổi, nếu lấy tuổi nghỉ hưu làm tiêu chí xác định người cao tuổi là không phù hợp. Vì vậy, “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên."

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010.

Cán bộ, công chức, viên chức y tế được phép lập phòng khám tư

Đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, về quy định cấm cán bộ công chức, viên chức tham gia thành lập, điều hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã là phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức.

Quy định như vậy, cán bộ, công chức, viên chức y tế được phép thành lập phòng khám tư và được phép làm việc ngoài giờ tại các cơ sở khám chữa bệnh tư theo hợp đồng, tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của cộng đồng dân cư, nhất là trong tình trạng sẽ còn một thời gian khá dài nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh 1.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ khoản 13 Điều 6 như dự thảo Luật: "Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.”

Việc cấp chứng chỉ hành nghề một lần hay phải gia hạn sau 5 năm (Điều 25), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định cấp chứng chỉ một lần là phù hợp với điều kiện hiện tại của cơ quan quản lý nhà nước và số lượng lớn cán bộ y tế phải được cấp chứng chỉ hành nghề trong giai đoạn đầu, hạn chế được khó khăn và tiêu cực phát sinh trong quá trình thực thi.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011.

Chủ thể tham gia hoạt động viễn thông là tổ chức, cá nhân

Dự thảo Luật Viễn thông, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) như quy định tại Dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Viễn thông quy định chủ thể tham gia hoạt động viễn thông là tổ chức (bao gồm cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác), cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.

Luật Viễn thông không loại trừ việc tham gia của bất cứ tổ chức nào, kể cả hợp tác xã, nếu các tổ chức này đáp ứng được các quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, tùy thực tế sẽ có hướng dẫn để chủ thể này có thể tham gia hoạt động viễn thông như các chủ thể khác.

Giải đáp ý kiến cho rằng theo Điều 82 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không cần có điều riêng quy định về đối tượng áp dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nội dung quy định về đối tượng áp dụng trong hoạt động viễn thông không trái với Điều 82 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cũng cần được quy định để thể hiện rõ ràng, đầy đủ các đối tượng tham gia, phù hợp thực tế của hoạt động viễn thông và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy đề nghị được giữ nguyên phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như tại Dự thảo Luật.

Luật có hiệu lực thi hành 1-7-2010.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện

Đối với Luật Tần số vô tuyến điện, về trách nhiệm quản lý Nhà nước (điều 5) và cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Ủy ban Thường vụ giải trình cho biết dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông kèm theo những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Để Luật Tần số vô tuyến điện có thể thực hiện và đi vào cuộc sống ngay sau khi Luật có hiệu lực, cần thiết phải quy định rõ cơ quan có trách nhiệm trực tiếp giải quyết các yêu cầu cụ thể của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện. Điều này phù hợp với yêu cầu của Quốc hội là nâng cao tính cụ thể của các văn bản luật và bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch cho người dân khi thực hiện luật này.

Quản lý tần số vô tuyến điện là lĩnh vực đòi hỏi tính thống nhất cao, không thể chia cắt về nghiệp vụ và địa giới hành chính, đồng thời có tính quốc tế cao, đòi hỏi cần có cơ quan quản lý chuyên ngành.

Xuất phát từ thực tế, cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Chính phủ thành lập hơn 16 năm nay và đang hoạt động theo Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg ngày 24-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.

Việc quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện trong Luật chỉ là quy định chung nhằm khẳng định vị trí pháp lý ổn định của cơ quan này, minh bạch trong quan hệ quốc tế, còn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sẽ được quy định tại văn bản mang tính pháp quy do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Luật có hiệu lực thi hành 1-7-2010.

Quy định độ tuổi tham gia dân quân tự vệ

Luật Dân quân tự vệ, về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình - Điều 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề đã được nêu ra trong suốt quá trình soạn thảo dự án Luật và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp này.

Trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã trình bày rõ và cân nhắc các căn cứ để xác định độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Việc quy định về độ tuổi và thời hạn như Dự thảo Luật là nhằm bảo đảm chất lượng cho tổ chức, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ, tạo nguồn nhân lực cho quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân địa phương và bổ sung lực lượng cho bộ đội địa phương khi cần thiết; đây cũng là nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, Luật giữ nguyên quy định “Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện phục vụ trong lực lượng dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ.”

Luật có hiệu lực thi hành 1-7-2010.                                                                                                                             (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên