Chiều 8-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.
ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 8-6. Ảnh: Lã Anh
Quan tâm đến lĩnh vực lao động việc làm, ĐB Nguyễn Công Sĩ (Sơn La) trăn trở: “Cần phân tích rõ tại sao tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên có xu hướng tăng cao, thành thị tăng mạnh hơn nông thôn. Khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN thì lợi thế lao động của nước ta như thế nào? Có cạnh tranh được với lao động các nước ASEAN vốn có kỹ năng tốt, kỷ luật cao hay không”?
ĐB Nguyễn Công Sĩ cũng lưu ý, hiện tại là thời điểm khó khăn của ngành du lịch, khách quốc tế liên tục sụt giảm, trong đó ngoài nguyên nhân khách quan còn có sự thật là công tác quản lý điều hành du lịch chưa tốt, tình trạng nâng giá tùy tiện chưa cải thiện bao nhiêu, sản phẩm du lịch không độc đáo, lễ hội không để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách… Đây là những nhược điểm cần quyết tâm chấn chỉnh. Phát biểu sau đó, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu kiến nghị cụ thể: “Nên tập trung nguồn lực đào tạo lao động chất lượng cao cho vùng kinh tế trọng điểm để tạo sức lan tỏa”.
ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) thẳng thắn: “Đã đến lúc Quốc hội cần “trả món nợ lâu năm” với nông nghiệp bằng những quyết sách mạnh mẽ. Có bác nông dân nói với tôi "ông có cách gì giúp chúng tôi, chứ để bán chục ký hành tím không được tô phở thì cay mắt lắm”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đồng ý: “Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề; giám sát tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn. Chỉ khi có quy hoạch tốt và thực hiện đúng quy hoạch mới giải quyết được bài toán cung – cầu sản phẩm nông nghiệp”. ĐB Trần Hoàng Ngân gợi ý, Quốc hội nên ưu tiên bố trí đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Liên quan đến cân đối ngân sách, ĐB Trần Hoàng Ngân một mặt ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và ngành tài chính duy trì được cân đối thu – chi, nhưng nhắc nhở về một số dấu hiệu bất ổn như nhập siêu trên 3 tỷ USD, nợ công đã ở mức phải kiểm soát chặt chẽ… Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước vô cùng khó khăn và gặp nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập. “Tôi đã nêu kiến nghị này từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, nay xin nhắc lại, Chính phủ cần phải có giải pháp rất cụ thể vực dậy DNNVV; trong đó cần bố trí gói hỗ trợ cho DN tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn lãi suất thấp, giúp DN mua sắm thiết bị, tăng cường năng lực hội nhập.
Giải thích thêm về việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ĐBQH tỉnh Nam Định) nhận định, Nghị định 67 đã được thiết kế khá hợp lý, khuyến khích đồng bộ việc phát triển sản xuất và dịch vụ hậu cần nghề cá. “Kết quả thực hiện cho thấy chính sách đã đi đúng hướng, chủ yếu là đóng mới tàu vỏ sắt và tàu vật liệu khác có công suất lớn. “Nhưng thời gian đóng tàu vỏ thép công suất lớn phải mất từ 7 tháng đến 1 năm; đến nay chính sách mới triển khai được khoảng 9 tháng, đã giải ngân được 10 tàu, đang giải ngân tiếp 52 tàu nữa. Tôi nghĩ rằng như thế là không phải quá chậm”, ông nói. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, phiên họp Chính phủ tháng 5-2015 cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, Chính phủ quyết định cho phép đóng tàu mới nhưng sử dụng máy đã qua sử dụng phải đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian cho vay đối với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới; hỗ trợ chi phí thiết kế tàu vỏ gỗ công suất lớn và tàu vật liệu mới...
Theo SGGP