Quốc hội vừa bỏ phiếu thông qua phương án điều chỉnh lương khi duyệt dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Theo đó, hơn 59.000 tỷ đồng sẽ được dùng để phục vụ việc tăng lương.
Cùng với việc nâng lương tối thiểu hơn 200.000 đồng theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội cũng chốt việc nâng phụ cấp công vụ với cán bộ, công chức lên 25%. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công cũng tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu.
Ngân sách dành chi cho việc tăng lương là 59.300 tỷ đồng/903.100 tỷ đồng tổng chi ngân sách được duyệt cho năm sau. Tổng số thu cân đối ngân sách Quốc hội giao ở mức 740.500 tỷ đồng.
Chỉ nâng lương tối thiểu thêm 200.000, ngân sách phải gánh thêm 59.300 tỷ đồng.Nghị quyết nêu rõ, năm 2012 chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chuyển nguồn để bố trí cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Hạn chế việc chuyển nguồn cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Cùng với chủ trương tăng lương sớm so với lộ trình, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế khoán chi thường xuyên với các cơ quan hành chính và đổi mới cơ chế tài chính để đẩy nhanh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công. Từng bước chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục.
Một chỉ tiêu quan trọng trong vấn đề ngân sách được Quốc hội quyết là mức giảm bội chi ngân sách nhà nước. Quốc hội yêu cầu Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách ở con số 140.200 tỷ đồng (tương đương 4,8% GDP).
Yêu cầu giảm tỷ lệ bội chi ngân sách được Quốc hội đặt ra ngặt nghèo hơn so với mức 4,9% của năm nay được Chính phủ trình.
UB Thường vụ Quốc hội cho biết, còn có ý kiến khác nhau về con số 4,9%, trong đó có ý kiến đề nghị thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội về việc dành 30% tăng thu để giảm bội chi.
UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, cùng với việc bố trí 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách TƯ để giảm bội chi thì việc sử dụng 15.000 tỷ đồng để tăng chi trả nợ cũng góp phần gián tiếp giảm bội chi.
Quốc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, điều chỉnh cơ cấu chi cho đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế...
Theo Dân Trí