Quốc hội (QH) khóa XI với 11 kỳ họp và 50 phiên họp định kỳ diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước được triển khai một cách toàn diện, mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành tựu của các khóa trước, QH khóa XI đã tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện những chức năng cơ bản của QH.
Ngày bầu cử QH khóa XI là ngày 19-5-2002; tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,73% (49.768.515 người); tổng số đại biểu được bầu là 498; cơ cấu thành phần của QH: Trong lĩnh vực doanh nghiệp (5,02%), nông dân (1,20%), trong các lực lượng vũ trang (11,04%), công nhân (0,40%), đại biểu tự ứng cử (0,40%), đại biểu chuyên trách (23,69%), đảng viên (89,75%), ngoài Đảng (10,25%), dân tộc thiểu số (17,26%), phụ nữ (27,30%), tôn giáo (1,40%).
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa XI. Ảnh: TƯ LIỆU
Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XI họp từ ngày 19-7 đến ngày 12- 8-2002, tại Hà Nội đã bầu Chủ tịch nước: Trần Ðức Lương, Phó Chủ tịch nước: Trương Thị Mỹ Hoa, Ủy ban Thường vụ QH gồm 13 thành viên, Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, (Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, được QH bầu ngày 26-6-2006 tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XI), Thủ tướng Chính phủ: Phan Văn Khải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Nguyễn Văn Hiện, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Hà Mạnh Trí, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Ðối ngoại. Ngày 17-3-2003, Ủy ban Thường vụ QH đã ra Nghị quyết thành lập 3 cơ quan chuyên môn là Ban Công tác lập pháp, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện trực thuộc Ủy ban Thường vụ QH.
Trong lĩnh vực lập pháp, QH khóa XI đã có bước đột phá lớn với những đổi mới quan trọng về quy trình. Tính đến tháng 4-2007, QH khóa XI đã ban hành 84 luật, bộ luật, 68 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 31 pháp lệnh, đưa số lượng văn bản pháp luật được thông qua trong nhiệm kỳ tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nội dung các vấn đề được quy định trong các đạo luật đã cơ bản bao quát các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đến tổ chức bộ máy Nhà nước, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, QH đã dành thời gian, công sức để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật kinh tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Đại biểu QH chuyên trách thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006. Ảnh: TƯ LIỆU
Trong nhiệm kỳ này, QH đã xem xét, quyết định phương án xây dựng công trình thủy điện Sơn La, một công trình rất lớn, tác động trực tiếp đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đời sống của nhân dân. Từ năm 2003, thực hiện quy định của Luật Ngân sách Nhà nước mới, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2004 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2004. Đây là lần đầu tiên QH trực tiếp thực hiện phân bổ ngân sách Trung ương và mức bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. QH cũng đã ban hành nhiều quyết định quan trọng khác như Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003; Nghị quyết về giáo dục; Nghị quyết về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh; Nghị quyết về tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vùng vịnh Bắc bộ”; Hiệp ước giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985; phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Đặc biệt, QH đã luật hóa hoạt động giám sát của QH, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao của QH, nhiệm vụ giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan của QH, đại biểu QH và Đoàn đại biểu QH. Hoạt động giám sát của QH đã được tăng cường và đẩy mạnh, tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - ngân sách, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh đến đối ngoại, công tác tư pháp. QH đã tăng cường giám sát tối cao tại kỳ họp về các chuyên đề. Cụ thể là trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách Nhà nước, QH đã tập trung giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của QH về nhiệm vụ và về ngân sách Nhà nước, trong đó có những vấn đề nóng bỏng, cấp bách nổi lên như thu chi ngân sách, các biện pháp tăng thu, giảm chi, giảm bội chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đầu tư vốn cho phát triển, hoạt động của ngân hàng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tình trạng nhập siêu quá lớn; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng...
Hoạt động đối ngoại của QH khóa XI tiếp tục được tăng cường cả trong quan hệ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Kết quả nổi bật là hoạt động đối ngoại đã củng cố, phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, nghị viện châu Âu, nghị viện nhiều nước thuộc liên minh châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; khai thông và phát triển quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ theo chủ trương chung của Nhà nước ta; củng cố và từng bước đẩy mạnh quan hệ truyền thống với các nước Trung Đông Âu.
Trong nhiệm kỳ, QH khóa XI đã tổ chức thành công Diễn đàn đối tác Nghị viện Á - Âu ASEP lần thứ ba (ASEP3) tại TP.Huế với sự tham dự của 120 đại biểu đến từ 7 nước ASEAN và 15 nước thuộc liên minh châu Âu (EU), cùng 3 đối tác ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếp đó, QH tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 (APPF13) tại Quảng Ninh vào tháng 1-2005 với sự tham gia của 275 nghị viên đến từ 23 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9-2005, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã dẫn đầu Đoàn đại biểu QH Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thế giới lần thứ hai những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước được tổ chức tại trụ sở Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York. Trong năm 2006, QH nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị liên minh Nghị viện thế giới về quyền trẻ em tại Hà Nội (tháng 2-2006), Hội nghị chuyên đề về hợp tác pháp lý trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại TP.Hồ Chí Minh (tháng 7-2006)...
P.V (tổng hợp)