Quốc hội khóa XV: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân

Cập nhật: 25-05-2022 | 07:48:01

Quang cảnh phiên họp.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2021 có 7 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016; thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi ngân sách nhà nước thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP, thấp hơn dự toán là 4% (343,67 nghìn tỷ đồng); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8%...

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, hạn chế cần nhìn nhận rõ còn có: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế nhất là y tế cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, dự báo thu chưa sát, nợ đọng thuế tăng; thu từ cổ phần hóa đạt thấp; phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài...

Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đọc Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật hiện hành, quy định về Phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị cấm; người đại diện, quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật, sai sót chuyên môn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A...

Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa-xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật bao gồm: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phát hành phim; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên không gian mạng; phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; lưu chiểu, lưu trữ phim; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=886
Quay lên trên