Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thi hành án hình sự: Nên có lộ trình bỏ hình thức xử bắn

Cập nhật: 27-11-2009 | 00:00:00

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất như vậy tại phiên thảo luận ở hội trường sáng qua (26-11), về dự thảo Luật Thi hành án hình sự.

Theo các đại biểu, để phù hợp với xu thế của thế giới và bản chất nhân đạo của Nhà nước ta, pháp luật cần hướng đến việc thay thế hoàn toàn hình thức tử hình bằng xử bắn và lý tưởng hơn, nên nghĩ đến việc bỏ hẳn án tử hình.

Đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - “bổ khuyết” cho tờ trình của Chính phủ bằng cách phân tích tỉ mỉ cách thức tiến hành và ưu, nhược điểm của các hình thức tử hình phổ biến mà thế giới hiện đang áp dụng là xử bắn, treo cổ, kích điện, dùng hơi độc và tiêm thuốc độc. Trong đó, theo bà Nga, hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc là có nhiều ưu điểm hơn cả vì công tác chuẩn bị đơn giản, tử tội chết nhanh chóng, nhẹ nhàng và được toàn thây. Đặc biệt, hình thức này chỉ cần ít người tham gia vào quy trình thi hành án và có thể thực hiện gián tiếp bằng giải pháp kỹ thuật nên hạn chế được áp lực tâm lý của người thực thi nhiệm vụ...

Nhiều đại biểu khác đồng tình nên loại dần việc xử bắn mặc dù tờ trình của Chính phủ cho rằng việc xử bắn phải được duy trì trong những trường hợp cần thể hiện tính trấn áp, răn đe, nghiêm trị. Theo các đại biểu, tính trấn áp và răn đe thực tế không nằm ở việc thi hành án bằng cách nào mà thể hiện chủ yếu ở cái án tử hình. Riêng đại biểu Trần Bá Thiều (TP.Hải Phòng) thì đề xuất một phương án “mới toanh” là thay vì tước đoạt sinh mạng thì nên giam giữ người bị kết án tử hình cho đến cuối đời, không giảm án, không đặc xá.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật.

(Theo tuoitreonline)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên