Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô: Vẫn băn khoăn đi tìm tính đặc thù

Cập nhật: 22-03-2011 | 00:00:00

Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô

Theo nhiều đại biểu, mặc dù đã được chỉnh lý, dự thảo Luật vẫn chưa nêu bật được tính riêng có của Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Dự thảo Luật Thủ đô đã được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII và được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Sau Kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.

Thảo luận về dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành một đạo luật riêng cho Thủ đô để Hà Nội phát huy một cách cao nhất vai trò là trung tâm chính trị của cả nước. Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã kịp thời tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, mặc dù đã được chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này vẫn chưa nêu bật được tính đặc thù chỉ riêng có của Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng: Đây là một đạo luật khó, bởi nó động chạm tới nhiều lĩnh vực từ đất đai, môi trường… cũng như một số quy định của Hiến pháp. Chính vì vậy, dự thảo Luật này cần phải được bàn thảo căn cơ và kỹ hơn để khi thông qua không phải băn khoăn về tính khả thi và hợp hiến của nó.

Theo đại biểu, nếu coi Hà Nội là một đô thị đặc biệt thì nó phải có những điểm khác biệt hẳn so với các tỉnh thành khác chứ không phải vẫn là những quy định chung về quản lý hành chính, trật tự an ninh xã hội như dự thảo. Bên cạnh việc nhấn mạnh cần phải tìm ra tính đặc thù cho Thủ đô, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng cho rằng, Luật cần có một điều, khoản quy định: mọi cơ chế chính sách, mọi tiêu chí do Hà Nội ban hành không được vi phạm các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc quy định những đặc thù cho Thủ đô là cần thiết, tuy nhiên Thủ đô không phải là một quốc gia riêng, nên tất cả những quy định về phát triển Thủ đô cũng phải nằm trong chiến lược phát triển chung của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) tán thành việc dự thảo Luật giao cho Thủ đô cơ chế đặc thù về tài chính. Tuy nhiên cần phải quy định thật cụ thể. Đại biểu lấy ví dụ dự thảo Luật quy định “Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác...”. Theo đại biểu, cần quy định rõ cao hơn là bao nhiêu? Hay về quy định “Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô...”, ưu tiên theo nguyên tắc nào. Đại biểu cho rằng: Cần quy định hết sức cụ thể ngay trong Luật, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng “xin, cho” khi Luật được ban hành.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng ý về việc xây dựng cơ chế đặc thù về trật tự an ninh cho Thủ đô. Tuy nhiên quy định về cơ chế này tại điều 23 trong dự thảo Luật mới chỉ tập trung vào việc tăng mức phạt tiền mà không có thêm cơ chế nào khác. Nếu như vậy thì các đô thị khác cũng có thể áp dụng để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc đảm bảo an ninh trật tự chứ không riêng gì Hà Nội.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng: Một số quy định của dự thảo Luật Thủ đô trên thực tế nhiều địa phương đã thực hiện như việc quy định mở các cung đường mới phải đảm bảo rộng 50 mét trở lên nhiều nơi khác đã làm. Nếu bây giờ đưa vào Luật Thủ đô, liệu những địa phương khác có tiếp tục được làm hay không?

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu, việc quy định cơ chế đặc thù về quy hoạch Thủ đô như: “Trong nội thành không được mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không được xây dựng khu công nghiệp, xây dựng mới cơ sở sản xuất công nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học, trường đại học, học viện” hay một số tiêu chí về phát triển giáo dục… khó có thể thực hiện được.

Nhiều đại biểu tán thành việc thông qua Luật Thủ đô tại Kỳ họp này. Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý Ban soạn thảo cần khẩn trương chỉnh lý một số điều khoản trong dự thảo Luật. Đây cũng là ý kiến kết luận phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, báo cáo lại với Quốc hội để Quốc hội có căn cứ xem xét quyết định tại phiên họp cuối cùng của Kỳ họp này.

Sáng mai (23/3), các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

                                                                                                                                   Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên