Từ ngày 10-6-2023 Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25-4- 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, phân loại tài sản cố định của cơ quan Nhà nước như sau:
- Thứ nhất, phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản gồm:
+ Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định.
+ Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động.
+ Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: Cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thứ hai, phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản:
+ Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
+ Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
+ Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
+ Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
+ Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
+ Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/ NĐ-CP của Chính phủ.
+ Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
Thông tư 23/2023/TT-BTC thay thế Thông tư 45/2018/TT-BTC ngày 7-5-2018.
SỞ TƯ PHÁP