Quy định sĩ số 35 học sinh tiểu học/lớp: Cần thiết, nhưng phải có lộ trình thực hiện
(BDO) Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn số 3898/ BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025. Một trong những yêu cầu thu hút sự quan tâm là các trường cần có giải pháp để bố trí sĩ số học sinh/lớp không quá 35 em. Với Bình Dương, để thực hiện nhiệm vụ này là một thách thức lớn, bởi những năm qua nhiều trường tiểu học (TH) tại Bình Dương luôn trong tình trạng quá tải học sinh.
Những năm qua, nhiều trường tiểu học luôn trong tình trạng quá tải học sinh nên Bình Dương sẽ gặp khó khi áp dụng quy định 35 học sinh/lớp. Trong ảnh: Một tiết dạy học tại trường Tiểu học Hòa Lộc (huyện Dầu Tiếng)
Thách thức lớn
Năm học 2024-2025, TP.Thuận An có 29 trường TH với 1.045 lớp/46.840 học sinh, tăng 699 học sinh so với năm trước. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Thuận An, cho biết năm nay số học sinh TH trên địa bàn thành phố tăng ít hơn những năm trước, tuy nhiên so với các địa phương khác thì TP.Thuận An vẫn là địa phương có số lượng học sinh cơ học tăng hàng năm cao. “Điều này sẽ dẫn tới tình trạng sĩ số học sinh trên lớp cao hơn so với quy định; địa phương gặp áp lực khá lớn về vấn đề trường lớp trong mỗi năm học”, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân cho biết.
Bình quân 41,2 học sinh/lớp Theo Sở GD&ĐT, ở cấp TH toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 lớp học với hơn 206.000 học sinh; bình quân 41,2 học sinh/lớp. Với mỗi địa bàn trong tỉnh sẽ có tỷ lệ học sinh/lớp khác biệt. Cụ thể như một số địa phương có tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp TH cao là TP.Thuận An, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên, TP.Dĩ An… đều vượt xa quy định 35 học sinh/lớp của Bộ GD&ĐT. Các địa phương còn lại như huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên bình quân học sinh/lớp thấp hơn nhưng vẫn còn cao so với quy định của Bộ GD&ĐT. |
Cũng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP.Thuận An, nếu các trường TH trên địa bàn thành phố bảo đảm sĩ số 35 em/lớp theo đúng điều lệ trường TH thì ngành GD&ĐT TP.Thuận An cần xây dựng mới thêm 10 trường TH. Nếu 100% học sinh TH học 2 buổi/ngày thì sẽ có 19.435 học sinh TH không được học trường công lập. “Với số lượng học sinh tăng cơ học hàng năm như vậy, hiện TP.Thuận An rất khó thực hiện theo đúng quy định sĩ số 35 học sinh/lớp”, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân cho biết thêm.
Tương tự, trong nhiều năm qua, TP.Dĩ An, TP.Bến Cát và TP.Tân Uyên luôn là những địa phương đối diện với vấn đề quá tải học sinh. Do đó việc duy trì sĩ số 35 học sinh/lớp với bậc TH được cho là “rất khó để thực hiện”.
Cô Vũ Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng trường TH Tân Định (TP.Bến Cát), cho biết trường có số lượng học sinh đông. Trung bình sĩ số là 45 học sinh/lớp. “Thời gian qua vấn đề sĩ số lớp quá đông cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Chính vì vậy, nếu thực hiện được sĩ số 35 em/lớp là điều mà cả nhà trường lẫn phụ huynh đều mong muốn. Nhưng để thực hiện được nội dung này là không dễ, cần có thời gian và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, cô Vũ Thị Hồng Hoa nêu ý kiến.
Phải có lộ trình
“35 học sinh/lớp” - một con số tưởng chừng đơn giản nhưng lại là bài toán nan giải đối với nhiều địa phương có số học sinh tăng nhanh hàng năm như Bình Dương. Quy định này dù mang đến nhiều lợi ích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục nhưng trong thực tế việc thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết trong năm học 2024-2025, việc bảo đảm 35 học sinh mỗi lớp ở cấp TH là “rất khó thực hiện”. Đặc biệt theo chương trình GDPT 2018, học sinh TH học 2 buổi/ngày, hiện nay nhiều trường đã phải liên kết với các trung tâm bán trú bên ngoài để dạy buổi 2 nhằm bảo đảm thực hiện chương trình, mặc dù chưa có cơ chế chính thức. Để đảm bảo đủ chương trình, Bình Dương đang xin ý kiến của Bộ GD&ĐT để có những hướng dẫn chỉ đạo chung cho toàn quốc, bởi các tỉnh, thành phố lớn đều gặp khó khăn tương tự.
“Hàng năm, tỉnh Bình Dương có bổ sung kinh phí cho giáo dục nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Chúng tôi đã đề xuất có cơ chế khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm nhiều hơn để có nguồn tuyển dụng, vì mặc dù cơ sở vật chất có thể đáp ứng nhưng vẫn thiếu giáo viên để đứng lớp. Nếu không có đủ giáo viên, các trường phải dồn lớp để bảo đảm đủ giáo viên giảng dạy, dẫn đến mâu thuẫn trong việc bảo đảm sĩ số 35 học sinh/ lớp”, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Bình Dương hiện đang nỗ lực giải quyết tình trạng này bằng cách đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt ở các khu vực tập trung đông người lao động như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên... Công tác tuyển dụng nguồn nhân lực cho ngành GD&ĐT cũng đang được các địa phương gấp rút thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã và đang kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh quy định hoặc có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Nhiều ý kiến cho rằng việc bố trí không quá 35 học sinh/ lớp ngay trong năm học mới đối với các tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư cần có lộ trình cụ thể. Đây là một quá trình lâu dài, để đạt được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội.
HỒNG PHƯƠNG