Quy định thịt sống bán trong vòng 8 giờ: Khó cả đôi đường!

Cập nhật: 18-08-2012 | 00:00:00

Sắp tới, Thông tư 33 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quy định các loại thịt sống để trong nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng 8 giờ sẽ được áp dụng. Đây là một chủ trương thể hiện ý chí của ngành chức năng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, không chỉ người tiêu dùng mà nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ đều thắc mắc về tính khả thi khi áp dụng quy định.

Chưa sát thực tế

Theo quy định của Thông tư 33, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ; còn bảo quản ở 0-5oC chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ 0-5oC, chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ. Thịt và phụ phẩm được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định... Thông tư sẽ chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 3-9 tới.

 Tiểu thương chờ đợi vào tính khả thi của Thông tư 33 Sau liên tiếp những vụ thịt thối, lòng thối được phát hiện trên thị trường, nếu quy định này được triển khai hữu hiệu sẽ thực sự là tín hiệu mừng về công tác bảo đảm ATVSTP đối với người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, đồng băn khoăn với đa số NTD trong cả nước, các bà nội trợ tại Bình Dương cũng băn khoăn: “Quy định là một chuyện nhưng đi vào thực tế được hay không lại là chuyện khác!”.

Sau khi tiến hành khảo sát ý kiến phản hồi của các tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, đa phần trong số họ đều cho rằng khó khả thi. Chị Mai, tiểu thương kinh doanh thịt heo nhiều năm liền tại chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Đa số các tiểu thương ở đây thường lấy nguồn hàng ở cùng một nơi. Lò mổ bắt đầu giao hàng cho thương lái từ 12 giờ đêm tới 6 giờ sáng. Thường thì ai đi lấy hàng lúc nào về bán lúc đó, những người bỏ mối sớm thì lấy sớm, tôi ngủ dậy trễ thì cứ “túc tắc” bán hết thì về”. Một tiểu thương ở chợ Đình tỏ ra khá bức xúc và cho rằng nên áp dụng rạch ròi giữa bán lẻ và bán sỉ. “Nếu quy định chỉ bán thịt sống trong 8 tiếng vậy nếu tôi bán ế, còn khoảng 1 - 2kg cũng phải bỏ vào tủ đông lạnh rồi lại mang ra bán? Bình thường nếu phải bán buổi chiều tôi thường bỏ thịt vào thùng xốp ướp lạnh để bảo quản, chiều tiếp tục bán”. Đối với các chợ tự phát, quy định này sẽ khiến nhiều người lo lắng. Chị Tiến bán thịt ở dọc đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Mỹ tỏ ra khá lo lắng vì chị thường bán thịt ở hai điểm, buổi sáng bán ở dọc đường này, buổi chiều nếu còn hàng, chị “dạt” về một chợ cóc gần khu sinh viên ở trọ để bán. “Ai sẽ kiểm tra thịt bán quá 8 tiếng? Kiểm tra bằng cách nào? Đó là điều tôi thắc mắc”.

Về phía NTD, chị Mai Lan (P.Hiệp Thành, TP.TDM) cho biết cũng đã nghe thông tin này. “Lâu nay mình toàn dựa vào kinh nghiệm để chọn thịt. Tốt nhất là đi chợ buổi sáng, sẽ mua được thịt tươi hơn, còn không thì nên nhìn vào màu sắc, thịt màu hồng là thịt tươi, thịt màu tái là để lâu thì không nên mua”. Còn chị Hoàng Thị Hà (P.Chánh Nghĩa) khẳng định: “Trong khi thực phẩm bẩn nhập khẩu vào trong nước hay thực phẩm bị tẩm hóa chất còn chưa kiểm soát nổi thì nghĩ tới việc bán trong 8 giờ là phi thực tế. Tôi thấy báo chí đăng rầm rộ thông tin gà bẩn Trung Quốc chạy vào Việt Nam, mỡ heo thối được dùng làm bánh, thịt heo biến thành thịt bò... Tôi đồng ý tăng cường quản lý là tốt nhưng hãy làm tốt công tác kiểm dịch, ATVSTP đã”.

Lò giết mổ chỉ xuất hàng từ 3 - 4 giờ sáng

Đó là ý kiến khẳng định của ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về vấn đề này. Ông Khang cho biết, trước khi áp dụng quy định, Chi cục Thú y đã tiến hành tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, lò mổ, thương lái trên địa bàn tỉnh để “tuyên truyền, phổ biến nội dung thông tư”. Tuy chưa thống kê được hết toàn bộ số lượng chợ trên địa bàn tỉnh nhưng “việc triển khai sẽ tiến hành bằng cách quy định các lò giết mổ chỉ xuất hàng vào một giờ nhất định là từ 3 - 4 giờ sáng. Trước đây, lò giết mổ sớm nhất là khoảng 12 giờ đêm, giờ sẽ thống nhất một giờ để anh em Chi cục Thú y và các cán bộ liên ngành dễ quản lý, đồng thời có thêm khoảng thời gian cho tiểu thương kinh doanh”. Cũng theo ông Khang, nên thống nhất khoảng thời gian này với hơn 50 lò giết mổ trên địa bàn tỉnh, “những điểm giết mổ lẻ tẻ thì không đáng ngại vì số lượng ít nên họ thường làm trễ”.

Khi được hỏi cách xử lý đối với những gian hàng để thịt sống quá 8 tiếng, ông Khang cho biết sẽ “cho xử lý đông lạnh hoặc bán cho các bếp ăn tập thể”. Đối với chợ “chồm hổm” thì UBND phường và Ban Quản lý (BQL) chợ khu vực đó có trách nhiệm triển khai, xử lý. Với cách nhìn từ phía BQL chợ, ông Lê Thúc Kháng, Phó BQL chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Hiện chưa nhận được công văn, khi nào có công văn gửi tới, chúng tôi sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn hàng của tiểu thương rất khó. Đối với những người bán ở mức độ vừa phải thì họ hoan nghênh vì họ muốn chứng minh nguồn hàng của mình bảo đảm, được người mua tin cậy. Còn ở những nơi quy tụ nguồn hàng lớn thì còn nhiều bất cập. Lực lượng BQL chợ cùng với Chi cục Thú y cũng không thể quản lý hết được”. Với kinh nghiệm thực tế, anh Trần Lê (NTD thị trấn Thái Hòa, Tân Uyên) đưa ra giải pháp: “Tôi đã đi chợ ở Thái Lan. Chợ loại bình thường, không có điều hòa, giá cả phải chăng, dành cho người lao động. Nhưng khác ta ở chỗ, tất cả các loại thịt họ bày trong một khay inox to, cao khoảng 10 - 15cm. Ở dưới họ để đá, bên trên phủ lớp nylon dày; sau đó mới để thịt bên trên để bán. Như vậy là thịt để được lâu hơn và trong điều kiện mát”.

Cách đây vài ngày, tại cuộc họp về quản lý an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, tuy Thông tư 33 chưa có hiệu lực nhưng đã gặp “sóng gió” chỉ trích từ công luận vì chưa sát với thực tế. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nói: “Chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, công luận vì những gì chúng ta quy định chưa sát với thực tiễn, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Chúng ta phải đưa ra được quy định sát với thực tế, khả thi, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và phải có bước đi phù hợp, chứ nóng vội quá cũng không được. Thông tư 33 hiện chưa có hiệu lực thi hành, đề nghị Cục Thú y rà soát lại, có đề xuất để điều chỉnh”.

Người bán hàng không được ngồi trên bàn/quầy bán thịt

Nội dung Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT về yêu cầu vệ sinh cá nhân quy định: Không được ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khi pha lọc, bán hàng và bốc dỡ thịt và phụ phẩm; rửa tay bằng xà phòng trước khi pha lọc, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với những vật liệu bị ô nhiễm; băng bó vết thương hở bằng vật liệu chống thấm và người bán hàng không được ngồi trên bàn/quầy bán thịt. Tuy nhiên, dạo một vòng quanh khu vực chợ Đình, hình ảnh các tiểu thương ngồi luôn lên quầy thịt bán hàng, ăn uống... rất mất vệ sinh và phản cảm. Hình ảnh này đã tồn tại khá lâu mà chưa thấy ai nhắc nhở, chấn chỉnh.

LÊ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=375
Quay lên trên