Hoạt động đo đạc, bản đồ và viễn thám có vai trò khá quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Để cụ thể hóa hoạt động đo đạc, bản đồ và viễn thám tại địa phương, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 45/2015/NĐ-CP ngày 6-5-2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ; dựa trên Nghị định 45 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 17-4-2017 quy định về hoạt động đo đạc, bản đồ và viễn thám trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Với một văn bản quy phạm pháp luật có nội dung khá lớn gồm 9 chương và 40 điều có liên quan mật thiết đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Hoạt động đo đạc, bản đồ là hoạt động có điều kiện. Các tổ chức muốn thực hiện các dịch vụ đo đạc bản đồ theo Điều 10 Nghị định 45 phải có giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ do Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam cấp và chỉ được những nội dung công việc theo giấy phép. Trong quá trình tác nghiệp, các tổ chức sẽ sử dụng các công trình đo đạc trên địa bàn tỉnh như: Dấu mốc đo đạc cơ sở quốc gia, dấu mốc đo đạc cơ sở chuyên dụng. Trước khi sử dụng những dấu mốc đo đạc, các tổ chức, cá nhân cần liên hệ với UBND cấp xã - nơi đặt dấu mốc để được chỉ dẫn và sử dụng xong phải khôi phục lại tình trạng như ban đầu. Sau khi hoàn thành công trình đo vẽ phải giao một bản sao các sản phẩm về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để đưa vào lưu trữ. Người dân địa phương cần nêu cao ý thức bảo vệ dấu mốc đo đạc vì đây là tài sản quốc gia, nghiêm cấm phá hoại. Trách nhiệm của UBND cấp xã phát hiện thấy các dấu mốc đo đạc bị xâm hại hoặc có khả năng trường hợp bị xâm hại thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc phải báo cáo Phòng TN&MT.
Trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của UBND cấp xã thì báo về Sở TN&MT để có biện pháp xử lý. Trong thủ tục về đất đai, có một khâu quan trọng là đo vẽ bản trích đo, trích lục có đo đạc bổ sung để làm cơ sở thực hiện các thủ tục về đất đai. Đây là khâu chiếm khá nhiều thời gian của người dân và thường do Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh ở các huyện, thị, thành phố thực hiện. Để giảm áp lực cho các đơn vị trên và tạo điều kiện thuận lợi thì tổ chức, cá nhân có thể liên hệ với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ có giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ với nội dung phù hợp để đo vẽ thửa đất của mình.
Các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu cần cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc bản đồ thì liên hệ với Sở TN&MT để được cung cấp với cơ sở pháp lý.
P.V