Trong thời gian vừa qua, vấn đề nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp (DN) sản xuất đang ngày càng được nâng cao, các DN đã quan tâm hơn đến công tác BVMT trong hoạt động sản xuất, tỷ lệ các DN đã đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải theo từng năm tăng cao, góp phần thiết thực vào công tác BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của đa số các DN vẫn còn một số ít các DN cố tình tránh né, đối phó trong việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT gây khó khăn trong công tác thanh kiểm tra cho các cơ quan quản lý môi trường. Xuất phát từ thực tiễn cần phải có một công cụ pháp lý để đẩy mạnh công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm về môi trường, ngày 8-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2010/NĐ-CP quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2010. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về môi trường, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; là căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng vận dụng trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
Theo Nghị định số 72/2010/NĐ-CP, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường được thành lập ở 3 cấp: Bộ Công an, công an cấp tỉnh và công an cấp huyện. Ngoài ra, trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường được áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như: Tạm đình chỉ hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc gây ô nhiễm môi trường của cơ quan, tổ chức, DN; Niêm phong hoặc tạm giữ, thu giữ tài sản, đồ vật, phương tiện vi phạm, tạm giữ người vi phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật; Thu giữ các mẫu vật, tài liệu, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật về môi trường để kiểm định; Được yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; Được quyền kiểm tra, đình chỉ các hoạt động liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Nghị định 72/2010/NĐ-CP, để nâng cao năng lực cho cơ quan phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về BVMT, Nhà nước có chính sách ưu tiên cho Bộ Công an trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ kinh phí trang bị phương tiện nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết; được huy động tiềm lực khoa học công nghệ bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; đồng thời quy định chế độ chính sách ưu đãi đối với cán bộ chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường như: Được hưởng chế độ độc hại, được trang bị các phương tiện bảo hộ phòng chống ô nhiễm khi thi hành công vụ, trường hợp đặc biệt có thể được nâng lương, thăng cấp hàm cao hơn một bậc so với quy định cấp bậc hàm tối đa cho từng chức vụ.
Để tổ chức thực hiện Nghị định số 72/2010/NĐ-CP của Chính phủ đạt hiệu quả, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được quy định tại nghị định này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về môi trường, góp phần thiết thực vào công tác BVMT.
B.TRÂN