Quy định về việc mặc áo phao khi qua sông: Chủ đò lẫn hành khách chưa chấp hành nghiêm túc

Cập nhật: 01-08-2012 | 00:00:00

(BDO) Thông tư số 15/2012 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về sử dụng phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông có hiệu lực hơn nửa tháng nay. Nhưng đến thời điểm này, nhiều chủ đò lẫn hành khách đều tỏ ra thờ ơ trước quy định.

  Tại bến đò chợ Thủ, khách không mặc áo phao khi đò qua sông.Thông tư quy định, từ ngày 15-7, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình di chuyển đến khi cập bến an toàn. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng cũng như chất lượng. Từ chối chuyên chở với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao; chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao…

Nhưng hiện tại, nhiều bến đò trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm túc thực hiện quy định.

Có mặt tại bến đò chợ Thủ, TP.Thủ Dầu Một sáng 30-7, chúng tôi ghi nhận ở đây luôn trúc trực 4 chiếc đò ngược xuôi đưa khách sang sông. Trung bình mỗi chuyến đò rời bến có không dưới 10 khách. Vẫn như trước đây, các dụng cụ nổi, phao cứu sinh, áo phao được chủ phương tiện chất thành đống hoặc một góc trên đò. Khi khách lên đò, chủ đò không phát áo phao, cũng không một lời nhắc nhở. Đặc biệt, khi đò rời bến, không ít khách đi đò vẫn vô tư ngồi trên các phương tiện xe máy, xe đạp mà không màng đến hiểm nguy.

Cùng ngày, khi có mặt tại bến đò An Sơn, xã An Sơn, TX.Thuận An và một số bến đò khác, chúng tôi vẫn ghi nhận sự việc tương tự. Một người ở gần bến đò An Sơn cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, cũng vì ngồi trên xe máy khi qua đò, một thanh niên đã lao xe máy xuống sông vào sáng sớm khi cách bờ An Sơn khoảng vài mét.

Tìm hiểu nguyên nhân, một chủ phương tiện tại bến đò chợ Thủ lý giải: “Có đưa áo phao thì cũng không ai chịu mặc, có người cầm trên tay cho có. Khi cập bến, vì tranh thủ xuống đò, họ vứt áo bừa bãi rất dơ nên đành xếp lại một góc cho gọn”. Còn hành khách thì biện đủ lý do. Có người bảo, mặc áo vào rất dơ nên không dám mặc. Có người cho biết, vì qua sông một đoạn ngắn, mặc áo phao phải cởi vào cởi ra rất mất thời gian…

Việc coi thường quy định về an toàn giao thông đường thủy đang là hiểm họa rình rập trên mỗi chuyến đò, đặc biệt trong mùa mưa bão như hiện nay. Thiết nghĩ, việc mặc áo phao khi đi đò cũng giống như việc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy. Công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng là một biện pháp hữu hiệu để đưa việc mặc áo phao trở thành thói quen khi đi đò.

Quang Tám

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=408
Quay lên trên