Quy hoạch cây xăng trên các tuyến quốc lộ: Bài toán cần có lời giải

Cập nhật: 16-07-2010 | 00:00:00

Hiện nay vấn đề quy hoạch cây xăng, đặc biệt là hệ thống cây xăng trên các tuyến quốc lộ sao cho hợp lý vẫn chưa có được lời giải trong khi việc hình thành các cây xăng trên các tuyến quốc lộ khá tự phát đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, an toàn giao thông trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cây xăng nằm trong hành lang ATGT đường bộ trên quốc lộ 13

Vi phạm hành lang an toàn giao thông

Trong một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giao thông Vận tải (GTVT), thuộc Bộ GTVT cho biết, Bình Dương hiện có 3 tuyến quốc lộ đi qua, đó là quốc lộ 13, quốc lộ 1K và quốc lộ 1A. Trên 3 tuyến quốc lộ này hình thành đến 68 cửa hàng xăng dầu (cây xăng). Điều đáng lưu ý, hầu như tất cả các cây xăng này đều hình thành một cách khá tự phát, không theo một quy hoạch nào. Theo nhận định từ phía Trung tâm Nghiên cứu Phát triển GTVT, đa số các cây xăng trên đều được xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ. Mặt khác, do đưa vào khai thác trước khi Văn bản số 2241/BGTVT-VT ngày 24-4-2006 của Bộ GTVT nên khoảng cách không được bảo đảm quy định. Theo khảo sát, khoảng cách bình quân giữa 2 điểm đấu nối cây xăng bên trái trên quốc lộ 13 chỉ có 2,5km và bên phải chỉ có 2,2km. Còn khoảng cách bình quân giữa các cây xăng trên quốc lộ 1K chỉ đạt 1,6km. Khoảng cách bình quân của các cây xăng trên quốc lộ 1A là 2,2km. Trong khi quy định khoảng cách giữa các cây xăng trên quốc lộ ngoài đô thị phải bảo đảm 12km.

Thực tế, trên các tuyến quốc lộ này có đặc tính là các phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe tải lớn và container thường xuyên lưu thông ra vào các khu công nghiệp. Trong khi đó, các cây xăng lại nằm trong hành lang an toàn giao thông, không có đường dẫn từ quốc lộ vào cây xăng nên khi các phương tiện dừng lại để tiếp nhiên liệu đã dẫn đến tình trạng chiếm dụng một diện tích khá lớn hành lang lưu thông, cản trở tốc độ lưu thông của các dòng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ này.

Cần có lời giải cho quy hoạch

Theo đề án quy hoạch được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển GTVT đề xuất, sau khi quy hoạch (quy hoạch đường gom và các điểm giao thông đấu nối vào quốc lộ đến năm 2020), các cây xăng nằm ngoài đô thị có vị trí nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ thì sẽ bị đẩy lùi ra khỏi hành lang theo đúng quy định. Quy hoạch cũng chỉ tổ chức đấu nối một số cây xăng có cự ly bảo đảm khoảng cách đúng quy định và sẽ xây dựng đường dẫn từ quốc lộ vào cây xăng. Các cây xăng khác sẽ được tổ chức đấu nối vào hệ thống đường gom dọc theo các tuyến quốc lộ. Theo đó, trên quốc lộ 13 đến năm 2020 thì từ 51 cây xăng sẽ chỉ còn 6 cây xăng đấu nối trực tiếp và 28 cây xăng đấu nối vào đường gom. Trên quốc lộ 1K đến năm 2020 có 1 điểm cây xăng đấu nối trực tiếp vào quốc lộ và 5 điểm cây xăng đấu nối vào đường gom. Còn trên quốc lộ 1A, cũng sẽ chỉ còn 1 cây xăng đấu nối trực tiếp và 10 cây xăng đấu nối vào đường gom.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy hoạch, bài toán lớn nhất là quỹ đất để thực hiện việc di dời các cây xăng này. Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ đều không còn quỹ đất để thực hiện quy hoạch. Do đó, nếu triển khai quy hoạch, sẽ phải thực hiện phương án giải tỏa đền bù để giải phóng mặt bằng. Điều này sẽ rất khó khăn vì giải tỏa đền bù hiện đang là một bài toán nan giải đối với hầu hết các dự án. Mặt khác, đối với các chủ cây xăng, việc phải di dời cây xăng đến các vị trí phù hợp theo quy hoạch cũng khó mà thực hiện được.

Qua trao đổi của phóng viên Báo Bình Dương đối với các chủ cây xăng trên 3 tuyến quốc lộ này, cho thấy đa số các chủ cây xăng đều cho rằng, việc di dời sẽ rất khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Minh, chủ cây xăng Tân Vạn trên quốc lộ 1A tỏ ra khá bất ngờ trước vấn đề mới mẻ này. Tuy nhiên sau khi được tận mắt xem bản đề án đề xuất quy hoạch, ông Minh tỏ ra lo lắng vì nếu di dời sẽ không biết phải đặt cây xăng của mình ở đâu. Lo lắng này cũng là điểm chung của hầu hết các chủ cây xăng khi phóng viên tiếp xúc. Một số chủ cây xăng khác thì vẫn còn bán tin, bán nghi và cho rằng họ sẽ chờ văn bản chính thức (khi đề án quy hoạch được thông qua) thì mới biết rõ được phản ứng cụ thể thế nào. Tuy vậy, một số chủ cây xăng cũng tỏ ra đồng thuận. Ông Đỗ Minh Châu, chủ cây xăng Thiên Tạo (quốc lộ 13, Bình Hòa, Thuận An) cho biết, mặc dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì nếu di dời cây xăng sẽ phải đập đi xây lại, không có đủ khả năng tài chính... nhưng nếu là chính sách của Đảng, Nhà nước thì phải chấp hành và mong muốn nếu phải di dời, sẽ nhận được sự hỗ trợ để có địa điểm xây dựng cây xăng mới.

Mặc dù việc quy hoạch lại các cây xăng trên các tuyến quốc lộ là cần thiết vì bộ mặt của hệ thống giao thông hiện đại của một thành phố trẻ trong tương lai, nhưng không thể xem là câu chuyện một sớm, một chiều mà cần có một nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, trong đó các vấn đề như quỹ đất, giải tỏa, đền bù đang là bài toán cần có lời giải.

THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên