Quy hoạch đột phá, mở rộng không gian trong phát triển

Cập nhật: 13-05-2024 | 08:57:56

 Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 (Đồ án) được UBND tỉnh phê duyệt và công bố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của huyện Dầu Tiếng, đó là “kim chỉ nam” tạo bước đột phá để huyện phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời gian tới.

 Huyện Dầu Tiếng vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng cụm công nghiệp An Lập để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư

 Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Đồ án với định hướng phát triển vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng huyện nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như huyện Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết quy hoạch xây dựng vùng huyện trên cơ sở phát triển bền vững dựa trên các thế mạnh hiện có và vị trí đặc thù, lấy đó làm tiền đề thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện. Từ đó đưa ra những dự báo và tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, bảo tồn văn hóa - lịch sử, tài nguyên thiên nhiên và những đặc trưng riêng của huyện. “Định hướng phát triển không gian toàn huyện bao gồm không gian xây dựng đô thị, nông thôn và các khu chức năng đặc thù theo hướng gắn kết, hài hòa để huyện Dầu Tiếng trở thành một vùng không gian phát triển bền vững, có chất lượng sống tốt”, ông Nguyễn Phương Linh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Phương Linh, huyện tập trung quy hoạch các khu, phân khu ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, vùng sinh thái nông nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hệ thống hạ tầng xã hội, xác định vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồ án là cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn trong huyện, xây dựng các chương trình kế hoạch và đề xuất các chính sách phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực.

Huyện Dầu Tiếng còn nhiều dư địa trong phát triển công nghiệp, phù hợp với chủ trương quy hoạch chung của tỉnh đưa công nghiệp về phía bắc. Trong đồ án quy hoạch, toàn bộ huyện Dầu Tiếng được chia thành 5 phân vùng phát triển, dựa trên thế mạnh, tiềm năng sẵn có và tài nguyên của từng khu vực.

Trong đó, phân vùng 1 tập trung phát triển trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; ranh giới gồm thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh An, Định Hiệp, một phần các xã Thanh Tuyền, An Lập và Định Thành với tổng diện tích khoảng 18.600 ha. Phân vùng 2, huyện dành diện tích khoảng 13.400 ha để triển vùng đô thị, công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp phía nam, bao gồm các xã Thanh Tuyền, An Lập và một phần xã Long Tân. Tại phân vùng 3, huyện bố trí 1.200 ha cho vùng phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ phía đông; ranh giới gồm một phần các xã Long Hòa và Long Tân. Phân vùng 4 có diện tích 17.400 ha để tạo vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao - đô thị - dịch vụ phía bắc; ranh giới gồm xã Định Thành, Minh Tân, một phân các xã Minh Hòa và Định An. Tại phân vùng 5, huyện dành quỹ đất 15.500 ha xây dựng vùng phát triển dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ du lịch - nông nghiệp phía tây bắc; ranh giới gồm xã Định Thành, một phần các xã Minh Hòa và Định An.

Huyện tập trung phát triển 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hòa với diện tích khoảng 1.105 ha và xã Minh Tân với diện tích khoảng 1.103 ha. Đồng thời, tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh suối trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, huyện chủ trương phát triển vùng chăn nuôi tập trung ở xã Minh Thạnh với quy mô khoảng 860 ha.

Đầu tư kết nối giao thông liên kết vùng

Huyện Dầu Tiếng nằm phía tây bắc của tỉnh, cửa ngõ kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh. Do đó, định hướng phát triển giao thông trục chính của khu vực bảo đảm sự lưu thông nhanh chóng, tiện lợi và an toàn giữa các khu vực. Giao thông khu vực được định hướng phát triển theo cả 2 hướng chính là hướng bắc nam và đông tây. Cụ thể, theo trục dọc bắc - nam với các tuyến Quốc lộ 56, ĐT744, ĐT748, ĐT749G, ĐT744B. Theo trục đông tây có các tuyến ĐT750, ĐT749A, ĐT745A (Vành đai 5), ĐT745B, ĐT749B, ĐT749C, 749D, 749E, 749F.

Để tạo không gian kết nối vùng, trên sông Sài Gòn sẽ đầu tư xây dựng 4 cầu mới, gồm: Trảng Bàng - Dầu Tiếng 1, Trảng Bàng - Dầu Tiếng 2, Trảng Bàng - Dầu Tiếng 3, Dầu Tiếng - Củ Chi. Trên sông Thị Tính sẽ xây dựng 7 cầu mới, gồm: Long Hòa - Định Hiệp, Long Hòa - Long Tân, An Lập - Long Tân 1, An Lập - Long Tân 2, An Lập - Long Tân 3, An Lập - Long Nguyên, An Lập - Long Nguyên 2.

Có thể khẳng định, Đồ án được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở quan trọng để huyện Dầu Tiếng hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian trên địa bàn huyện trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 với mục đích tạo ra không gian phát triển mới theo hướng tích hợp tất cả các quy hoạch, tránh sự chồng chéo, bất cập như trong thời gian qua. Sau khi công bố quy hoạch, huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục triển khai một số dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng dịch vụ, thương mại du lịch để có cơ sở kêu gọi đầu tư.

MINH DUY - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=303
Quay lên trên