Bản đồ qui hoạch đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình DươngĐi qua Bình Dương với chiều dài 31km trong khi đó đi qua Tây Ninh với chiều dài 22km nhưng quy hoạch xây dựng đường Hồ Chí Minh (HCM) đoạn Bình Phước - Mũi Cà Mau lại chọn điểm nhấn tại Tây Ninh. Quy hoạch cũng chưa đánh giá cụ thể tiềm năng phát triển của Bình Dương trong không gian quy hoạch về kinh tế du lịch, công nghiệp và đô thị...
Quy hoạch phải xuất phát từ thực tế
Mới đây, Phân viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn miền Nam (thuộc Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị - Nông thôn của Bộ Xây dựng) đã trình UBND tỉnh bản đề án quy hoạch đường HCM đoạn Bình Phước - Mũi Cà Mau trong đó có đoạn đi qua Bình Dương. Theo bản đề án, tuyến đường HCM Bình Phước - Mũi Cà Mau có tổng chiều dài 586,9km, đi qua 8 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau. Riêng đoạn đi qua Bình Dương sẽ được xây dựng hoàn toàn mới với chiều dài 31km, đi qua 2 huyện Bến Cát và Dầu Tiếng.
Theo đơn vị tư vấn, đề án được thiết lập trên quan điểm đặt sự phát triển của vùng hành lang đường HCM trong bối cảnh phát triển tương lai quốc tế, quốc gia để xác định hướng đi của vùng; phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý; động lực chính là phát triển vùng kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông - lâm nghiệp thủy sản và dịch vụ liên vùng; phát triển có trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng khung, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông... nhằm phát triển bền vững, hài hòa kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị và quốc phòng - an ninh...
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh nhìn nhận, đơn vị tư vấn khi thiết lập quy hoạch này căn cứ vào những văn bản quy hoạch cũ của Bình Dương, chưa cập nhật được các thông tin mới về quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của Bình Dương trong tình hình mới. Đoạn đi qua Bình Dương với chiều dài 31km trong khi đi qua Tây Ninh chỉ có 22km nhưng điểm nhấn của quy hoạch đoạn này lại nằm ở Tây Ninh là không hợp lý. Cũng theo ông Minh, đơn vị tư vấn chỉ làm đề án định hướng quy hoạch vùng, chưa nêu ra được những phương án quy hoạch cụ thể. Đối với đoạn đi qua Bình Dương, với một đề án mang tính định hướng thế này, rất khó để xem xét. “Chúng tôi không thể xem xét và đồng thuận khi quy hoạch chưa xuất phát từ thực tế của địa phương, khi đơn vị tư vấn chưa đưa ra được những phương án quy hoạch cụ thể với những lập luận, luận chứng khoa học. Tôi chắc chắn rằng các địa phương khác cũng khó mà đồng thuận với đề án quy hoạch này...”, ông Minh cho biết.
Cho ý kiến về đề án, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Trần Bá Luận cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch. Theo ông Luận, quy hoạch đường HCM là một quy hoạch mới hoàn toàn, trong khi đó các quy hoạch của địa phương đã được hình thành trước đó, vậy quy hoạch nào sẽ điều tiết quy hoạch nào: “Nếu không làm rõ được điều này, sẽ rất khó tạo ra được tính tổng thể trong quy hoạch của vùng...”. Ngoài ra, ông Luận cũng đề nghị làm rõ khái niệm hành lang vì chưa hiểu hành lang trong quy hoạch này như thế nào khi quy định mỗi bên có phạm vi hành lang là 1km trong khi hành lang an toàn giao thông theo quy định hiện hành chỉ quy định phạm vi 20m...
Chưa đánh giá đúng tiềm năng của Bình Dương
Trong phần phân vùng kinh tế của đề án, đoạn đi qua Bình Dương nằm trong tiểu vùng 2 bao gồm Bình Dương và Tây Ninh với chiều dài 52,6km, diện tích 66.900 ha. Theo đề án, phía bắc của tiểu vùng 2 phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp. Phía nam tiểu vùng 2 sẽ phát triển đô thị, công nghiệp và đô thị hạt nhân là Trảng Bàng, Tây Ninh.
Đại diện UBND huyện Dầu Tiếng cho rằng, đề án chưa đánh giá đúng tiềm năng của khu vực này vì đoạn Bình Dương là cầu nối phát triển cho vùng Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Dầu Tiếng có nhiều hồ lớn, đặc biệt là hồ Dầu Tiếng, ngoài việc điều tiết thủy lợi còn giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Quy hoạch cần khảo sát, đánh giá kỹ tiềm năng du lịch để có các phương án khai thác hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, đề án cho rằng phía bắc của tiểu vùng 2 có tiềm năng phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp là chưa ổn vì đây là tiềm năng có từ lâu rồi. Hiện nay, tại khu vực này của huyện Bến Cát, Khu công nghiệp Bàu Bàng đang được mở rộng thêm 800 ha về phía xã Cây Trường. Theo đó, cần phải có một quỹ đất để phát triển đô thị, dịch vụ cho tương xứng với công nghiệp. Ngoài ra, khu vực này cũng giáp ranh với Khu công nghiệp Chơn Thành, theo đó cần phải tính toán đến các phương án quy hoạch các dự án đô thị và khu dân cư tại xã Cây Trường vốn nằm trong hành lang của đường HCM...
Trước những luồng ý kiến chưa thống nhất về đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Hà cho biết, đây là một dự án lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn. Ông Hà yêu cầu đơn vị tư vấn cần phải có một báo cáo cụ thể về các phương án quy hoạch tại đoạn đi qua Bình Dương trên cơ sở khảo sát và liên hệ với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương sao cho chặt chẽ, phù hợp và sẽ tiếp tục xem xét đề án lần sau. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Hà cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần thông báo công khai quy hoạch; khi khảo sát, cắm mốc lộ giới, cần làm một lần, tránh tình trạng cắm mốc rồi lại cắm lại lần hai, tạo ra áp lực cho chính quyền địa phương với người dân trong giải phóng mặt bằng.
THÀNH SƠN