Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang từng ngày tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội nói chung. Ở Bình Dương, BĐKH từ trước đến nay dường như nhiều người chưa thực sự quan tâm bởi suy nghĩ chỉ có những tỉnh ven biển mới bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây BĐKH đã có tác động rõ nét dần đến môi trường tự nhiên, không khí, đến phát triển nông nghiệp và đô thị của tỉnh.
Nhiệt độ đã tăng gần 0,50C
Theo đánh giá tác động của BĐKH đối với môi trường không khí ở Bình Dương qua các năm gần đây cho thấy có sự thay đổi đáng kể. Nhiệt độ trung bình năm của Bình Dương phổ biến ở mức từ 26,50C đến 27,50C. Năm có nhiệt độ trung bình cao nhất từ trước đến nay là 2010 đạt mức 27,50C, vượt so với trung bình nhiều năm 0,80C. Năm có nhiệt độ thấp nhất là 1996 với mức 26,40C, thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,40C. Nhiệt độ cao nhất chủ yếu xuất hiện vào các tháng 4, 5 do thời điểm này chịu ảnh hưởng của hệ thống cao áp Tây Thái Bình Dương, còn nhiệt độ thấp nhất thường xuất hiện vào tháng 12, tháng 1. So sánh nhiệt độ trong các năm 1999, 2010 và 2011 cho thấy, các huyện, thị phía Nam của Bình Dương có mức tăng từ 0,4 - 0,450C, còn các huyện phía Bắc có mức tăng thấp hơn với mức từ 0,35 - 0,420C. Có sự chênh lệch này là do tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh ở các địa phương phía Nam, tạo ra các hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt độ. Điều này sẽ làm nguy cơ mất cân bằng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt và cuộc sống sinh hoạt của con người.
Ngập lụt tại một tuyến đường ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An
BĐKH ngoài tác động đến môi trường không khí, đến tài nguyên đất, nước, phát triển nông, lâm nghiệp thì còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển đô thị. Minh chứng là những điểm ngập lụt đô thị trong thời gian gần đây ở Bình Dương cũng đang có xu hướng ngày càng phức tạp. Theo ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 60 điểm ngập, trong đó một số đã và đang được xử lý, còn một số chưa được xử lý. Địa bàn ngập nhiều nhất là Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Thủ Dầu Một. Nhiều khu đô thị và dân cư được phát triển mạnh nếu không được quy hoạch tốt sẽ làm gia tăng ngập lụt, nhất là khi BĐKH đang gây ra những diễn biến phức tạp về thời tiết, về mực nước…
Đưa dự báo BĐKH vào các quy hoạch
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường và đơn vị tư vấn, kịch bản BĐKH qua các năm trên địa bàn tỉnh sẽ có lượng mưa tăng dần, mưa lớn và phức tạp khó lường. Cùng với đó, nước biển dâng sẽ làm triều cường các khu vực ven sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính diễn biến mạnh hơn và gây ra ngập lụt. Chính vì thế, cần phải có những định hướng sớm về phát triển đô thị tích hợp ứng phó với BĐKH, nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng ngập lụt đô thị trong tương lai.
Về hạ tầng giao thông, Bình Dương đang triển khai xây dựng mới lẫn nâng cấp nhiều tuyến đường nên cũng chịu tác động lớn từ BĐKH. Trong khi tỷ lệ bê tông hóa đường sá ngày càng nhiều, lượng mưa ngày càng lớn nhưng diện tích đất thẩm thấu nước lại ít đi càng gây nguy cơ ngập nặng hơn ở những khu vực trũng hoặc nơi chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ. BĐKH cũng tác động đến các hệ thống thủy lợi, các hồ tích nước lớn như Dầu Tiếng, Cần Nôm, Phước Hòa, Đá Bàn, Từ Vân… cùng các hệ thống đê bao, kênh rạch. Tuổi thọ của các công trình này cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiệt độ thay đổi, dòng chảy thay đổi, hạn hán, ngập lụt cứ tiếp diễn. Việc xả lũ không hợp lý gặp lúc đỉnh triều cũng sẽ trở thành nhân tai gây hậu họa khó lường. Nhìn chung, BĐKH không chỉ tác động đến các công trình, hạ tầng kỹ thuật mà còn đến xã hội như sức khỏe cộng đồng, an ninh - quốc phòng, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử…
Trước những tác động hiện hữu và tiềm ẩn của BĐKH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã yêu cầu các ngành chức năng cần sớm bổ sung dự báo của BĐKH vào các công trình, dự án và quy hoạch của ngành mình, địa phương mình. Xác định các điểm ngập có tính chất thường xuyên và ảnh hưởng trực tiếp đến triều cường để đưa vào kế hoạch hành động ứng phó. Nghiên cứu để đưa ra được mức độ cao của cốt nền xây dựng làm cơ sở cho quy hoạch đô thị, giao thông và các công trình khác. Trong số danh mục các công trình, dự án ưu tiên ứng phó BĐKH cần chọn lọc một số cần thiết để đưa vào đầu tư ở giai đoạn sớm hơn. Cùng với đó là công tác tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực BĐKH phải được tăng cường, chú trọng. Người dân, chính quyền và cả các ban ngành đều phải nhận thức đúng đắn hơn về BĐKH, từ đó mới đưa ra được các giải pháp hợp lý, cùng chung tay trong hành động ứng phó với BĐKH mới đem lại được hiệu quả thiết thực.
T. ĐỒNG