Bài 1: Chọn cạnh tranh hay hợp tác để phát triển
Cảng Tổng hợp Bình Dương - cảng quốc tế đường sông của tỉnh. Ảnh: DUY CHÍ
So với các doanh nghiệp (DN) tư nhân chuyên ngành logistics của các nước phát triển có tuổi đời trên 100 năm với bề dày kinh nghiệm và tiềm lực về nhân sự, tài chính công nghệ… DN logistics trong nước được đánh giá vừa yếu về lực vừa thiếu về kinh nghiệm. Câu chuyện những chàng “tí hon” liên kết lại để cạnh tranh với những người “khổng lồ” nhằm giữ thị phần, hay là hợp tác để phát triển là câu chuyện đầu tiên trong bài toán hội nhập kinh tế.
Lớn lên từ sân nhà
Tại Bình Dương, hiện có những DN logistics tên tuổi như Trung tâm logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần thuộc Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần (Quân chủng Hải quân), Công ty Cổ phần logistics U&I thuộc Tập đoàn U&I, TBS Logistics thuộc Tập đoàn TBS... Đây là những DN có uy tín trên thị trường với thương hiệu đứng tốp đầu các DN ngành logistics cả nước.
Nói về sự lớn mạnh của DN, bà Lê Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Logistics TBS, nói: “Sau 10 năm hoạt động, TBS Logistics đã đứng vào tốp 10 trung tâm logistics hàng đầu cả nước về độ lớn nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, là giao điểm giữa 3 tỉnh, thành phát triển công nghiệp mạnh nhất cả nước là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. TBS Logistics ra đời sau, là đứa con hay đứa em của TBS Group cũng đúng. Là vì trước tiên, chúng tôi tự phục vụ cho chính chúng tôi để chủ động hơn trong hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh; kế đến là phục vụ đối tác, khách hàng. Tiếng lành cứ vang xa và DN thì ngày một lớn mạnh”.
Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC: Tăng cường kết nối liên kết vùng để giảm chi phí logistics Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm tìm giải pháp giảm chi phí logistics mới đây, Thủ tướng yêu cầu: Các địa phương phải tăng cường tính liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả các công trình giao thông, cảng biển, sân bay nhằm tiết giảm thời gian lưu thông hàng hóa, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giao thông thông suốt. Giảm được chi phí logistics không chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh của địa phương mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. |
Riêng Trung tâm Logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần đi vào hoạt động phù hợp với chủ trương đổi mới, mở cửa của Đảng. Cho đến thời điểm này, đây là cảng cạn nội địa (ICD) đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh, nằm ngay trung tâm các khu công nghiệp, rất thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu (nhờ có Chi cục Hải quan ICD), xếp dỡ, đóng gói, bảo quản và phân phối hàng hóa.
Một trong những yếu tố quan trọng thuộc nhóm nội lực góp phần vào thành công và lớn mạnh của DN logistics địa phương được ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I, cho biết: Làm logistics không phải có nhiều vốn, nhiều tiền là thành công, mà cần phải có niềm đam mê và đội ngũ nhân sự cùng chí hướng, chịu học hỏi, tiếp thu để thay đổi chính mình. Vì có đam mê mới có thể đi đến tận cùng của sự việc, vấn đề. Khi đã đi hết tận cùng của công việc thì tinh thần chịu học hỏi, tiếp thu sẽ giúp tháo gỡ, sắp xếp, kiến tạo chuỗi công việc theo hướng khoa học, tinh gọn, hiệu quả.
Hợp tác để phát triển
Tự nhận mình là người trưởng thành từ thực tiễn công việc, ông Phạm Văn Xô, Tổng Giám đốc LinKer Logistics (phường Bình Thắng, TX.Dĩ An), phân tích: Thị phần logistics tại Việt Nam hiện nay nói chung và Bình Dương nói riêng gồm các mảng: Mảng trên trời (đường hàng không), dưới nước (đường biển) và trên mặt đất (đường bộ). DN logistics trong nước với lợi thế sân nhà đã cơ bản nắm vững thị phần trên mặt đất với tỷ lệ khoảng 20%, còn lại 80% là các tập đoàn, DN logistics nước ngoài nắm giữ. Đây là sự thật hiển nhiên, vì DN trong nước chưa đủ mạnh để có những đội tàu viễn dương hoặc hãng hàng không vươn đến các châu lục trên thế giới.
Làm sao để sống và lớn mạnh với 20% thị phần, đó là câu chuyện mà DN logistics trong nước phải tính toán để tồn tại và phát triển. Ông Xô bộc bạch, “chìa khóa” để mở cánh cửa và làm gia tăng miếng bánh 20% không phải là chia đều theo số lượng DN đang có mặt mà phải biết làm cho miếng bánh 20% đó lớn lên để các DN cùng được hưởng. Đó là phát huy nội lực sẵn có, đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư Phạm Thanh Thu, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, nói: “DN luôn biết khi nào phải đoàn kết lại để phát huy sức mạnh. Cái mà DN cần hiện nay là vai trò quản lý để làm sao vừa phát huy được nội lực vừa phát huy được sức mạnh tập thể là yêu cầu rất quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế”.
Chỉ ra cái khó và cũng là lối ra cho DN logistics trong nước hiện nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần, cho biết: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với DN nước ngoài mà phải hợp tác cùng phát triển, bởi ai cũng có thế mạnh riêng”. Ông Sơn lý giải, nếu chọn hướng cạnh tranh để làm lớn thị phần thì DN trong nước không thể nào giải quyết tốt những đơn hàng, những khách hàng có yêu cầu vận tải hàng đến châu Mỹ, châu Âu. Còn hợp tác thì chúng ta sẽ thực hiện tốt các đơn hàng có đường đi dài, qua nhiều trung gian và xuyên lục địa.
Như vậy, xu hướng phát triển logistics trong thời gian tới là tập trung phát huy nội lực, phát huy thế mạnh sẵn có cùng nhau làm lớn thị phần để cùng khai thác. Muốn vậy, ngành logistics phải được đặt vào đúng vị trí, có quy hoạch bài bản, có sự vận hành, khai thác đồng bộ. Có như thế, ngành, DN logistics tránh được sự cạnh tranh nội bộ làm tiêu hao năng lượng của nhau, tạo điều kiện cho người ngoài có cơ hội hưởng lợi...
Bài 2: Con đường để phát triển năng động hơn
DUY CHÍ