Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương: “Kim chỉ nam” phát triển trong giai đoạn mới

Cập nhật: 11-03-2023 | 07:12:53

Nhằm tạo ra những đột phá để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, tỉnh đang thực hiện “Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch được kỳ vọng là “kim chỉ nam” cho định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo.

 Các định hướng chiến lược lớn của đồ án quy hoạch được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược. Trong ảnh: Đường Vành đai 3 đi qua địa bàn Bình Dương là tuyến trọng tâm kết nối giao thông vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

 Cực tăng trưởng của vùng

Thực hiện “Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với quan điểm chung là phát triển phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước, bảo đảm thống nhất, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Việc tổ chức phát triển bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á, có môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Quy hoạch lần này của Bình Dương sẽ kế thừa những thành tựu trước đây, tiếp tục khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển và lợi thế so sánh của mình, đặc biệt là phải nắm chắc các cơ hội phát triển nhanh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là “kim chỉ nam” cho các định hướng phát triển tiếp theo, đóng vai trò như “dây cương” để điều tiết, phân phối và kiểm soát sự phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Cụ thể hóa bằng các dự án chiến lược

Trên cơ sở xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của tỉnh, quy hoạch đề xuất 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, dịch vụ, đô thị thông minh, sinh thái), 1 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ, sinh thái) cùng 6 yếu tố hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội (nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được bảo đảm; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ).

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Các định hướng chiến lược lớn của bản quy hoạch trên tất cả các ngành, lĩnh vực cần phải được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược, được thúc đẩy và bảo đảm thực hiện bằng nguồn lực và các chính sách được dự trù, tính toán trước. Bình Dương kỳ vọng quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay của tỉnh, đặc biệt trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước”.

Với điều kiện hiện trạng của Bình Dương và định hướng liên kết vùng, đơn vị tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã đề xuất phương án tổ chức không gian Bình Dương phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo, gồm 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 phân vùng phát triển. Trong đó, phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng... làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Ông Nguyễn Văn Lợi, cho biết: “Để phấn đấu phát triển lên nấc thang mới, thời gian tới Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao”.

Theo lãnh đạo tỉnh, Bình Dương sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng đi qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt; đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong vùng và khu vực; chú trọng phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động… Phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương có đủ điều kiện trở thành một đô thị thông minh.

 Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Đồ án quy hoạch có thể đạt được mục đích cuối cùng là tích hợp, không phải là những kế hoạch cộng dồn, phải mang lại cho Bình Dương một diện mạo mới. Đồ án quy hoạch kỳ này phải trù liệu con đường đi với những mô hình đề xuất đưa Bình Dương lên vị trí dẫn đầu cả về quy mô cũng như tốc độ. Quy hoạch tỉnh phải có góc nhìn đa chiều, toàn diện, là nền tảng trong chỉ đạo, điều hành phát triển Bình Dương từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1089
Quay lên trên