Theo đánh giá của UBND tỉnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, khóa IX (mở rộng) diễn ra ngày 8-4 vừa qua, trong quý 1-2014, kinh tế Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Đây là tiền đề thuận lợi để tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm 2014.
Quý I-2014, công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy TAKAKO.VN, Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore 1. Ảnh: Q.CHIẾN
Xuất khẩu tăng tốc
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết, những kết quả tích cực về phát triển kinh tế trong quý I-2014 tỉnh đạt được là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong tỉnh. Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Phát biểu làm rõ thêm những kết quả đạt được trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ và xuất nhập khẩu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Cư, cho biết do tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực nên đã tác động tốt đến hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp trong quý 1 của tỉnh đạt trên 44.600 tỷ đồng, tăng 12,3%. Các mặt hàng như giày da, dệt may, gỗ vẫn duy trì được thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng cao.
Một trong những thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I là lạm phát được kiểm soát, giá cả thị trường tương đối ổn định, lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Ông Cư cho biết, hầu hết giá cả các mặt hàng xuất khẩu đều tăng và thị trường truyền thống của các doanh nghiệp như Mỹ, ASEAN, Nhật đã dần phục hồi và tăng khá; các thị trường mới như Nam Phi, Úc, Newzealand đều có mức tăng ấn tượng. Điều đáng phấn khởi là đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng xuất khẩu đến quý II, III và một số doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến hết năm với lượng đơn hàng tăng từ 10 - 15%. “Kim ngạch xuất khẩu trong quý I đạt 3 tỷ 196 triệu đô-la Mỹ, tăng 12,7%. Đây là mức tăng trong quý I cao nhất từ năm 2009 đến nay”, ông Cư nói.
Tìm giải pháp nâng chỉ số năng lực cạnh tranh
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần này đã dành nhiều thời gian để các ngành liên quan phân tích về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sụt giảm khá sâu trên bảng xếp hạng năm 2013. Qua phân tích của ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư có thể nhận thấy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) như thay đổi cách đánh giá, thay đổi một số chỉ số thành phần… thì phần lớn nguyên nhân đến từ chủ quan, mà cụ thể là một số sở, ngành chậm cải tiến các quy trình, thủ tục hành chính.
Liên quan đến chỉ số PCI, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân đã báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh liên quan đến 2/3 chỉ số thành phần sụt giảm chỉ số PCI của tỉnh, đó là chi phí gia nhập thị trường và tính minh bạch; đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại của một số sở, ngành và một số địa phương trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Bà Trần Thị Kim Vân cho rằng tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa từ năm 2004 ở cấp tỉnh và huyện, năm 2005 thực hiện ở cấp xã; đến năm 2008, cơ chế một cửa của tỉnh hoàn thiện và bổ sung thêm cơ chế một cửa liên thông. Theo cơ chế này thì việc niêm yết công khai các quy định thủ tục hành chính, giấy tờ, mức thu phí, thời gian giải quyết… là yêu cầu bắt buộc và là trách nhiệm của các thủ trưởng sở, ban, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện, xã. Giữa năm 2009, UBND tỉnh đã công bố 1 bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện và cấp xã và năm 2012 UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn về việc niêm yết công khai thủ tục hành chính…
Nhìn chung, các quy định, sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh rất đầy đủ, rõ ràng. Các sở, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công khai thủ tục hành chính. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát HĐND thấy còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc niêm yết công khai ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Cụ thể, theo quy định của thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận sở hữu nhà… phải được công khai trên trang thông tin điện tử cơ quan và niêm yết tại trụ sở cơ quan. Qua giám sát ngẫu nhiên ở trang thông tin của tỉnh cho thấy, trang thông tin có công bố bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, nhưng phần công bố thủ tục cấp giấy phép xây dựng chưa cập nhật kịp thời. “Như vậy phần đầu thì ba cấp đều làm tốt, nhưng phần theo dõi, cập nhật thì có những yếu kém”, bà Vân khẳng định.
Cũng theo bà Vân, bên cạnh một số địa phương cấp xã làm tốt việc công khai các thủ tục hành chính thì nhìn chung ở cấp xã thực hiện chưa đúng về công khai minh bạch thủ tục hành chính như bảng công khai thủ tục hành chính còn sơ sài; có thông tin dán ở bảng, có thông tin dán ở phòng làm việc, có thông tin photo giấy hai mặt, ố vàng, rách, dán chồng văn bản cũ, mới… gây khó trong tiếp cận thông tin.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới. Không chỉ quyết tâm cải tiến trong hoạt động đăng ký kinh doanh của ngành mình, ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư còn đề nghị các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Thông tin - Truyền thông… nghiên cứu rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi và nhanh chóng, chính xác các thông tin trên trang thông tin điện tử tỉnh…
TRÍ DŨNG