Quy trình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học

Cập nhật: 09-12-2023 | 17:58:03

Vệ sinh đang là mối quan tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Vệ sinh, an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín thương hiệu của sản phẩm. Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có chăn nuôi hữu cơ.

Bảo đảm vệ sinh chuồng trại

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, khu vực chuồng trại chăn nuôi gà hữu cơ phải được khoanh vùng và phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không chăn nuôi hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Chuồng trại phải có diện tích rộng rãi đáp ứng nhu cầu chạy nhảy và tìm kiếm thức ăn của đàn gà. Mật độ nuôi trong chuồng đối với gà thịt 8 con/m2, gà đẻ 6 con/ m2; mật độ nuôi ngoài trời gà nhỏ 580 con/ha, gà đẻ 230 con/ ha. Chuồng trại phải có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng...

Bên cạnh chuồng trại luôn bảo đảm vệ sinh, việc chọn lựa con gà giống phải được ấp nở từ các trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc phải là con của các cặp bố mẹ được nuôi dưỡng theo các điều kiện của tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu gà giống từ các nguồn không nuôi theo phương pháp hữu cơ có thể đưa vào nuôi lúc gà mới nở. Không được sử dụng các giống biến đổi gen. Gà giống phải khỏe mạnh, có khả năng kháng bệnh và thích nghi với điều kiện tại địa phương, nên ưu tiên sử dụng các giống gà bản địa.

Với phương pháp chăn nuôi hữu cơ, người chăn nuôi cần phải tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi nghiêm ngặt mới bảo đảm tạo ra sản phẩm hữu cơ

Thức ăn nuôi gà hữu cơ phải được làm từ nguyên liệu hữu cơ 100%. Sử dụng các nguyên liệu như cám gạo, ngô nghiền, bột đậu tương được trồng theo phương pháp hữu cơ có thể bổ sung thêm bột cá nhưng phải bảo đảm về nguồn gốc. Việc phối trộn thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn của gà. Đối với gà thịt, trong giai đoạn gà con 0-4 tuần tuổi nhu cầu đạm tối thiểu 20%, giai đoạn từ 5 tuần tuổi đến xuất bán nhu cầu đạm 16-18%. Chế độ ăn giai đoạn gà con 0-4 tuần tuổi cho ăn tự do cả ngày lẫn đêm. Giai đoạn 5 tuần tuổi đến xuất chuồng cho ăn 2 lần/ngày kết hợp với khả năng tự kiếm ăn của gà.

Đối với gà đẻ được chia thành 5 giai đoạn: Gà con, gà hậu bị, gà đẻ khởi động, gà đẻ pha I và gà đẻ pha II. Gà con 0-6 tuần tuổi, trong 3 tuần đầu, cho gà ăn tự do cả ngày lẫn đêm, sau 3 tuần tuổi cho ăn hạn chế theo khối lượng cơ thể gà ở các tuần tuổi (đối với gà trống 4-6 tuần tuổi cho ăn từ 44-54g thức ăn/ngày, tương đương với khối lượng cơ thể 605-860g; gà mái cho ăn từ 40- 50g thức ăn/ngày, tương đương với khối lượng cơ thể 410-600g. Gà hậu bị 7-20 tuần tuổi, nhu cầu hàm lượng đạm giảm theo độ tuổi, từ 7-9 tuần tuổi hàm lượng đạm trong thức ăn khoảng 19%; từ 10-20 tuần tuổi nhu cầu hàm lượng đạm 15,5-16%. Lượng thức ăn hạn chế theo trọng lượng của gà cụ thể như gà trống cho ăn tăng dần từ 58-108g thức ăn/ con/ngày, tương đương với khối lượng cơ thể từ 1-2,8kg; gà mái từ 54-105g thức ăn/con/ngày, tương đương với khối lượng cơ thể từ 0,7-2kg; gà đẻ khởi động 21-24 tuần tuổi, tăng dần lượng thức ăn cho gà và hàm lượng đạm bảo đảm ở mức 17,5-18%.

Đối với gà đẻ pha I từ 25-40 tuần tuổi, thức ăn cung cấp cho gà ở giai đoạn này từ 140-160g/ con/ngày, hàm lượng đạm duy trì ở mức 17,5%. Gà đẻ pha II từ 41-64 tuần tuổi, thức ăn giảm dần từ xuống 145g-120g/con/ ngày. Gà phải được uống nước đầy đủ, nguồn nước uống phải sạch theo phương pháp hữu cơ.

Không dùng thuốc kháng sinh

Bà Huỳnh Thị Kim Châu, Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi và Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết cơ sở chăn nuôi cần chủ động phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi. Theo đó, cho gà thường xuyên vận động ngoài trời để tăng miễn dịch tự nhiên; bảo đảm mật độ nuôi thả thích hợp tránh để xảy ra các vấn đề về sức khỏe; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như vệ sinh chuồng trại và bãi chăn thả, phòng bệnh bằng vắc-xin, các chế phẩm sinh học...

Ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo, đối với nuôi gà hữu cơ không được dùng thuốc kháng sinh, thuốc thú y tổng hợp hóa học để điều trị bệnh; ưu tiên sử dụng các sản phẩm thảo dược, các nguyên tố vi lượng, các chất khoáng. Khi xảy ra dịch bệnh đặc biệt không có cách xử lý nào khác hoặc trong trường hợp do luật pháp yêu cầu thì được phép dùng thuốc thú y, thuốc diệt ký sinh trùng và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, phải ghi chép đầy đủ và lưu hồ sơ chi tiết về việc điều trị, thuốc thú y đã dùng và thời gian đào thải thuốc. Cách ly đàn gà bị bệnh và khi xuất bán không được gắn nhãn mác sản phẩm hữu cơ. Gà phải được nuôi trong không gian mở, thích hợp cho vận động; không được nuôi nhốt trong lồng. Dụng cụ chứa, xử lý chất thải, kể cả nơi ủ phân, nước thải phải được thiết kế để phòng ngừa ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước. Sau mỗi đợt nuôi phải để trống chuồng trại trước khi nuôi đàn mới, khu vực chăn thả ngoài trời cũng phải có thời gian để thực vật phục ồi lại.

Người chăn nuôi phải duy trì việc ghi chép chi tiết và cập nhật hồ sơ giám sát trong quá trình chăn nuôi hữu cơ từ khâu giống, quản lý chuồng trại, chăm sóc, vận chuyển và giết mổ để kiểm soát hoạt động chăn nuôi. Đó cũng là cơ sở để chứng minh với các đơn vị quản lý, tổ chức chứng nhận và khách hàng về việc tuân thủ theo phương pháp chăn nuôi hữu cơ.

THOẠI PHƯƠNG - KIM CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên